Nâng tuổi nghỉ hưu, cần nghiên cứu cụ thể

Nhiều chuyên gia lao động cho rằng cần nghiên cứu cụ thể về đề xuất phương án nâng tuổi nghỉ hưu hiện nay của nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi và thực hiện theo lộ trình từ năm 2021.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tại một doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu quan điểm không nên tăng độ tuổi nghỉ hưu. Những nhóm ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, rất ít người có thể đạt đến độ tuổi nghỉ hưu hiện hành (nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi). Thực tế với ngành dệt may, đa số người lao động về hưu trước tuổi. Luật cũng cho phép lao động ngành dệt may là lao động loại 4 nên có quyền về hưu trước 5 năm. Nhưng ngay cả khi về trước 5 năm, nhiều lao động cũng không đạt được.


Ngành dệt may có những công đoạn đặc thù như nối chỉ, sợi, nên các lao động nữ từ 40 tuổi trở lên thị lực giảm dần, khó có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Do vậy, với những ngành như dệt may, da dày, điện tử, người lao động chỉ có thể trụ lại ở dây chuyền đến khi 35-40 tuổi. Họ phải tự rời đi hoặc bị chủ sử dụng lao động tìm cách sa thải. Đây là điều khó tránh trong cơ chế thị trường như hiện nay.


Theo quy định quy định của BHXH, từ năm 2018, trường hợp nghỉ hưu khi chưa đủ tuổi theo quy định, người lao động sẽ phải giảm trừ tỷ lệ, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi từ 2%. Trong khi đó, hầu hết lao động trong các ngành sản xuất như may mặc, da dày, điện tử đều không đạt đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Như vậy, nếu tiếp tục tăng độ tuổi nghỉ hưu thì mức giảm trừ tỷ lệ mà người lao động phải chịu sẽ rất lớn và lương hưu sẽ rất thấp. “Do đó, khi lấy ý kiến về dự thảo luật Lao động, chúng tôi đề nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện hành”, ông Cẩm kiến nghị.


Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Tại rất nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến về sửa Luật Lao động trong 2 năm qua, phương án tăng tuổi nghỉ hưu luôn được đặt ra với lý do đảm bảo cân bằng Quỹ BHXH trong dài hạn. Thậm chí, ngược dòng thời gian từ năm 2007, trong khi bàn về Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tuổi nghỉ hưu của người lao động được đưa ra bàn thảo nhưng đều không được thông qua. Điều đó cho thấy đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc một cách thận trọng.


Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tính trong bức tranh tổng thể về lao động việc làm bởi mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn rất cao, chính sách lao động đang chuyển dần từ thâm dụng lao động sang phát triển theo chiều sâu. “Để đảm bảo cân đối Quỹ BHXH, bài toán trước trước mặt là phải đề ra phương án giảm chi phí quản lý, tiết kiệm chi. Điểm đáng lưu ý, việc đóng BHXH hiện nay do doanh nghiệp thực hiện nên nếu doanh nghiệp không đóng thì quyền lợi người lao động bị xâm phạm bởi hiện nay không tách bách khoản đóng của người lao động và doanh nghiệp. Do đó, kiến nghị với Chính phủ có quy định tách 2 tài khoản đóng BHXH gồm tài khoản do người lao động đóng và tài khoản do doanh nghiệp đóng”, ông Quảng đề xuất.


Còn ông Phạm Minh Huân, chuyên gia lao động cho rằng: Nâng tuổi nghỉ hưu là vấn đề có tác động lớn đến kinh tế, xã hội nên cần nghiên cứu tổng thể và từng lĩnh vực ngành nghề, đồng thời đánh giá mức độ tác động để có chính sách điều chỉnh hợp lý.

XC/Báo Tin tức
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH nói gì về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu?
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH nói gì về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu?

Việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ triển khai theo hướng nâng dần từng năm, không phải ngay lập tức và tùy theo từng ngành nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN