Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em. Cụ thể là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng qua, một số nội dung trọng tâm dịp cuối năm 2024; giải pháp thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và duy trì các mô hình về sự tham gia của trẻ em vào những vấn đề của chính trẻ em.
Các đại biểu thông tin về phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và giới thiệu Quy chế phối hợp về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.
Các đại biểu cũng thảo luận về việc tăng cường nguồn lực địa phương thực hiện mục tiêu dự án về trẻ em và giải pháp vận động nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà lưu ý, các đại biểu cần tập trung đánh giá, phân tích sâu kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua để đưa ra giải pháp cụ thể thực hiện, hướng đến hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và các chương trình, đề án khác về trẻ em. Trong quá trình trao đổi, đại biểu cần chú trọng giới thiệu mô hình hay, cách làm tốt trong công tác trẻ em để các tỉnh, thành phố áp dụng, nhân rộng.
Các đại biểu cũng cần trao đổi, thảo luận sâu các chuyên đề nhằm đề xuất những kinh nghiệm, giải pháp để triển khai thực hiện tốt các văn bản liên quan đến công tác trẻ em như: Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị; Chương trình phòng, chống lao động trẻ em trái quy định; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phối hợp liên ngành, thiết lập các hệ thống, mạng lưới trong thực hiện công tác trẻ em tại địa phương và việc thành lập, thực hiện các mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt...
Theo Cục Trẻ em, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 1.317 vụ xâm hại trẻ em, giảm 31 vụ; 232 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, giảm 39 trường hợp so với cùng kỳ. Theo đánh giá, tình hình xâm hại trẻ em có xu hướng giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện các hình thức xâm hại mới, đặc biệt trong không gian mạng. Mặt khác, tình hình trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn manh động, liều lĩnh; số trẻ em đuối nước có giảm nhưng còn chậm.
Trong những tháng qua, nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quy định chính sách hỗ trợ trẻ em bị thương nặng, tử vong do tai nạn, hỗ trợ lắp đặt bể bơi, dạy bơi cho trẻ em; ban hành, thực hiện quy chế, quy trình, kế hoạch phối hợp liên dể hỗ trợ, can thiệp với trẻ em bị xâm hại. Công tác chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em có nhiều chuyển biến rõ nét, trẻ em mồ côi được hưởng các chính sách theo quy định, quyền tham gia của trẻ em được quan tâm thông qua các diễn đàn, hội đồng trẻ em nhiều cấp. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được các bộ, ngành, địa phương và xã hội quan tâm.