Đây là kết luận tại phiên họp Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà, diễn ra ngày 27/6, tại tỉnh Sơn La . Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt - Chủ tịch Hội đồng; đại diện các nhà máy thủy điện và lãnh đạo tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình.
Bậc thang thủy điện Sông Đà hiện có 5 công trình đang vận hành gồm: Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình. Các nhà máy đều có đập cao đến 100m, một số nhà máy có vùng hồ rộng, dung tích hồ chứa lớn; hoạt động theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà: Về tình hình khí tượng, thủy văn, năm 2021 khu vực Tây Bắc đã xuất hiện 10 đợt lũ. Trong đó, các trận lũ chủ yếu tập trung ở lưu vực hồ Lai Châu với 5 trận lũ; khu vực hồ Sơn La xuất hiện 3 trận lũ. Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2022, khu vực phía Tây Bắc hầu hết đều ở ngưỡng lớn hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-100%. Dự báo từ tháng 7-10/2022, khu vực Tây Bắc có khả năng ảnh hưởng của 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới.
Về công tác quan trắc động đất, từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2022, mạng trạm quan trắc động đất ở khu vực Tây Bắc và lân cận đã ghi nhận được 124 trận động đất với độ lớn từ 0.8-4.5. Các trận động đất có chấn tâm phân bổ đều khắp ở các hồ thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà.
Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà đề nghị 5 công trình thủy điện cần tiếp tục theo dõi các hiện tượng thấm, nứt, nhiệt độ bê tông trong thân đập, kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả; chú trọng việc xây dựng kế hoạch chi tiết công tác kiểm định an toàn đập; tiếp tục quan trắc thời gian truyền lũ từ tuyến đập Sơn La đến đập Hòa Bình; từ đập Lai Châu đến Sơn La, Bản Chát… Từ đó, rút ra quy luật truyền lũ nhằm bổ sung cho các quy trình và công tác điều hành chống lũ hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Đối với công trình thủy điện Hòa Bình, cần tiếp tục thực hiện khảo sát tổng thể và đánh giá các hạng mục và kết cấu của đập sau hơn 30 năm khai thác. Việc thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đồng bắc Bắc Bộ, công trình thủy điện Hòa Bình hiện hữu và các công trình khác liên quan.
Đối với công trình thủy điện Sơn La, cần khảo sát, đánh giá tổng thể các kết cấu, hạng mục công trình, hồ chứa và kiểm định chất lượng của đập phục vụ tính toán an toàn đập làm cơ sở điều chỉnh dung tích phòng lũ.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tổng sản lượng điện sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của các nhà máy trên bậc thang thủy điện Sông Đà là 8,34 tỷ kWh, tăng 170 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 7.30% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện.
Qua các báo cáo đánh giá số liệu quan trắc theo dõi công trình từ tháng 6/2021 đến hết tháng 5/2022 cùng các hồ sơ kiện quan và tình hình triển khai, thực hiện Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 cho thấy, các công trình thủy điện thuộc EVN trên bậc thang thủy điện sông Đà ở trạng thái làm việc bình thường, tin cậy và an toàn, đủ điều kiện tích nước và đón lũ năm 2022. EVN cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Chính phủ điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo hướng tiệm cận với thời gian thực nhằm khai thác các hồ chứa an toàn và hiệu quả.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã triển khai và ý kiến của các chuyên gia, đơn vị đã đưa ra đối với việc đảm bảo an toàn đập, hồ chứa. đề nghị Tổ chuyên gia, Cơ quan thường trực Hội đồng tăng cường khảo sát thực tế, xem xét và đánh giá về các hiện tượng bất thường của đập và hồ chứa thủy điện trong hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà trước và sau mùa lũ. Các công trình thuỷ điện cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác kiểm tra, quan trắc đập, quan trắc khí tượng thuỷ văn để vận hành công trình hiệu quả, an toàn.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp, đề xuất với Chính phủ điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng tiệm cần dần với thời gian thực; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy hoạch phòng lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình; xem xét, đánh giá tác động tới lòng hồ, bờ hồ khi quyết định phê duyệt các dự an khai thác nạo vét cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Các địa phương cũng cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; tuân thủ các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường nguồn nước; tăng cường tuyên truyền người dân trong công tác trồng và phát triển rừng, hạn chế dần đến cấm sử dụng các chất diệt cỏ, phá huỷ môi trường, làm tăng bào mòn của đất, ảnh hưởng đến lượng nước của các hồ chứa.