Gian nan cải cách thủ tục thuế

Mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của doanh nghiệp

Tính đến nay, ngành thuế đã giảm được 420/537 giờ nộp thuế, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 19 của Chính phủ về giảm số giờ nộp thuế xuống dưới 121,1 giờ trong năm 2015. Tuy nhiên, ngành thuế vẫn phải hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế cao hơn, mà trước hết là tiêu chuẩn ASEAN để đạt đến mục tiêu là sự hài lòng của DN.

Theo ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, năm 2014 ngành thuế đã giảm được 370 giờ nộp thuế. Từ đầu năm đến nay, với nhiều biện pháp cải cách thủ tục thuế như bãi bỏ, sửa đổi nhiều thủ tục kê khai thuế thu nhập DN, kê khai thuế qua mạng Internet... nên đã giảm tiếp được 50 giờ.

“Với hàng loạt quy định sửa đổi, việc kê khai thuế giá trị gia tăng của DN đã đơn giản hơn rất nhiều. Cơ bản những thông tin mà DN phải kê khai đã được loại bỏ như: Thông tin về ký hiệu mẫu hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, mặt hàng hay quy định DN phải ghi thời hạn thanh toán trên bảng kê hóa đơn và điều chỉnh tiền thuế đầu vào đối với trường hợp thanh toán chậm trả. Bên cạnh đó, mẫu biểu tờ khai cũng được đơn giản hơn, DN chỉ cần chuyển dữ liệu từ phần mềm kế toán sang là có thể hoàn thành được việc kê khai mà không phải nhập thêm các chỉ tiêu”, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) chia sẻ.

Theo bà Lan Anh, đằng sau sự đơn giản hóa về chính sách thuế là sự chuyển đổi rất lớn về kỹ thuật quản lý của cơ quan thuế. “Các cơ quan thuế sẽ phải phân loại DN để kiểm soát rủi ro, đảm bảo công tác quản lý thuế thông thoáng hơn nhưng vẫn hiệu quả”, bà Lan Anh cho biết.

Liên quan đến việc thanh kiểm tra thuế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thừa nhận, cơ quan thuế hiện nay đang thanh kiểm tra theo tư duy truyền thống: Người nào làm nhiều việc thì khả năng sai sót nhiều, truy thu thuế nhiều. Từ tư duy đó dẫn đến việc chọn đơn vị có khả năng tăng thu được, DN càng lớn giao dịch càng nhiều, khả năng sai sót càng lớn.

Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2014 cho thấy, Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế và bảo hiểm xã hội gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, trong đó thuế là 537 giờ và bảo hiểm xã hội là 335 giờ. Do đó, có thể coi việc giảm 420 giờ là nỗ lực lớn của ngành thuế.

“Sắp tới phải đổi mới và chuyển sang phương thức quản lý rủi ro, đánh giá trên cơ sở dữ liệu, DN đó có phải đối tượng rủi ro hay không. Cơ quan thuế phải chuyển sang xây dựng thể chế chính sách về quản lý rủi ro với DN, không thể thanh kiểm tra theo cảm tính. Giống như hải quan có thông tư quy định rõ 47 tiêu chí vi phạm thì bị kiểm tra, ngành thuế cũng phải làm như vậy”, ông Tuấn nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cải cách trong ngành thuế như Bộ Tài chính đã làm thời gian qua hoàn toàn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, sau khi đã đạt mục tiêu NQ19 đề ra thì con đường tiếp theo của ngành thuế còn rất gian nan. Cắt giảm TTHC qua cải cách thể chế chính là mở đường cho cải cách bộ máy.

“Để làm được điều đó, năm biện pháp chủ chốt là: Cắt bỏ thủ tục; trực tuyến hóa các quan hệ; dịch vụ hóa các hoạt động trợ giúp; chuyên nghiệp hóa công chức và chuẩn hóa DN. Với những sự thay đổi mang tính đột phá như hiện nay thì tôi tin rằng sẽ kéo theo sự thay đổi của cả DN và công chức theo một thể chế minh bạch, công khai, trách nhiệm, bình đẳng”, ông Lộc nói.

Cuối năm nay và các năm tới, Việt Nam sẽ thi hành nhiều hiệp định thương mại đã ký kết nên yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế rất cao. Các chuyên gia kinh tế đề nghị, cần xem xét chính sách thuế có điều nào phù hợp và chưa phù hợp, thuế suất chỗ nào được, chỗ nào chưa được, so sánh với thế giới để điều chỉnh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN.
 

“Hiện có 4 lĩnh vực đang xảy ra nhũng nhiễu, làm tăng chi phí của DN là: thuế, hải quan, giao thông và quản lý thị trường. Muốn giảm chi phí cho DN thì phải xem xét tất cả những lĩnh vực đó chứ không riêng gì thuế”. 

Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ đề nghị


Minh Phương - Hoàng Dương
Mong thủ tục  hành chính bớt  “hành”
Mong thủ tục hành chính bớt “hành”

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế vẫn còn nhiều gian nan khi gần một nửa số doanh nghiệp chia sẻ vẫn gặp phiền hà về thủ tục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN