Tại buổi công bố Báo cáo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014” diễn ra ngày 11/8 tại Hà Nội, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế vẫn còn nhiều gian nan khi gần một nửa số doanh nghiệp chia sẻ vẫn gặp phiền hà về thủ tục.
Doanh nghiệp than thủ tục
Mới đây, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam từng than thở với lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội về việc chậm trễ trả lời công văn giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp (DN). Không nhận được công văn trả lời, DN sẽ kê khai theo cách hiểu của mình, sau này phát hiện sai lại bị truy thu rồi phạt. Còn nếu chờ kết quả trả lời, DN kê khai chậm cũng bị phạt.
Quy trình giải quyết thủ tục hành chính thuế tiếp tục được sửa đổi, góp phần giảm thời gian nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Kế toán trưởng Công ty Hệ thống thông tin FPT, bà Ngô Thị Minh Huệ chia sẻ, cơ quan thuế cần mở rộng diện DN được sử dụng hóa đơn điện tử nhằm giảm áp lực phải lưu trữ hồ sơ, hóa đơn chứng từ. Bởi theo quy định, hóa đơn phải lưu trữ trong 10 năm nhưng trong quãng thời gian đó, hóa đơn giấy lưu kho thường bị hỏng nên gây khó khăn cho DN.
Những thắc mắc trên cũng là nỗi khổ của không ít DN tham gia cuộc khảo sát hơn 2.500 DN do VCCI phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (Nhóm Ngân hàng Thế giới) tiến hành cuối năm 2014, đầu năm 2015. Nhóm nghiên cứu của VCCI đã thử nghiệm xây dựng bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của DN với cải cách thủ tục trên 5 lĩnh vực gồm: tiếp cận thông tin; thực hiện thủ tục thuế; thanh kiểm tra thuế; phục vụ của công chức thuế và kết quả giải quyết công việc.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, phần lớn DN khảo sát (86%) mong muốn ngành thuế đơn giản hóa các TTHC thuế. Tiếp đến, các DN mong muốn cơ quan thuế mở rộng các hình thức thông tin về cơ quan hành chính thuế và TTHC thuế (71%). 50% DN muốn rút ngắn thời gian hành chính thuế, tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục và tiếp nhận, giải quyết tốt các phản ánh, kiến nghị của người nộp thuế.
Ông Tuấn cho biết, trong số hơn 2.500 DN phản hồi, có 20% số DN cung cấp thêm thông tin cho VCCI về các vướng mắc cụ thể mà họ gặp phải, những khó khăn về các quy định thuế, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, vướng mắc tới mẫu biểu và ứng dụng công nghệ thông tin, thanh tra kiểm tra thuế...
Nhiều DN phản ánh, chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN còn nhiều bất cập. Mỗi đoàn kiểm tra thuế áp dụng một kiểu. Bên cạnh đó, dữ liệu giữa cục thuế, chi cục thuế và sở kế hoạch đầu tư còn chưa đồng bộ nên DN phải làm nhiều tờ khai. Có tình trạng, một số DN dù đã nộp nhưng trên hệ thống thuế vẫn báo là nợ thuế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của DN.
“Các biểu mẫu cần đơn giản và loại bỏ bớt các chỉ tiêu không cần thiết. Đường truyền phần mềm kê khai thuế cần được nâng cấp để việc kê khai được nhanh chóng, đảm bảo sự tương thích. Ngoài ra, cần gia hạn thêm thời hạn kê khai sau đó mới tính phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế”, một DN kiến nghị.
Khoảng 30% DN mất chi phí “bôi trơn”
Mặc dù kết quả khảo sát có 71% hài lòng với các cải cách thủ tục thuế gần đây, song các DN cũng phản ánh tình trạng nhũng nhiễu, “vòi” tiền lót tay của các cán bộ thuế vẫn còn. Theo đó, có tới 32% số DN phải trả chi phí không chính thức và 40% DN lo ngại, nếu không trả khoản này sẽ bị “phân biệt đối xử”. Cũng theo khảo sát, trong khi chỉ 19% DN Nhà nước phải chi tiền bôi trơn thì 33% DN dân doanh và 41% doanh nghiệp FDI phải mất khoản phí này cho cán bộ thuế. “Vấn đề này ngành thuế cần phải nhìn nhận lại”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Một cán bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, cán bộ thuế có quá nhiều quyền khi xác định mức nộp thuế của DN qua việc tăng doanh thu lên hoặc giảm xuống. Chẳng hạn như tiền khấu hao tài sản cố định, nếu gạt 50 triệu đồng ra khỏi chi phí đồng nghĩa với việc tiền thuế mà DN phải nộp sẽ tăng 10 triệu đồng. Do đó, DN và cán bộ thuế có thể thỏa thuận để cả hai cùng có lợi.
Bên cạnh việc “vòi vĩnh” thì năng lực của cán bộ thực thi thuế cũng còn nhiều hạn chế. Sau khi kể một câu chuyện chứng minh nhận định này, ông Trương Đình Vấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Châu Giang (Hà Nam) nói thêm: “Tôi cho là một trong những điểm yếu của ngành thuế hiện nay là chưa đồng hành với DN, chỉ chăm chăm thu thuế mà chưa chú trọng giúp DN thực hiện chính sách thuế”.
Liên quan đến công tác thanh kiểm tra, 80% số DN khảo sát cho biết thái độ cán bộ thuế đúng mực nhưng có 26% DN cho rằng, nội dung thanh kiểm tra còn trùng lặp. “Dù việc thực hiện thanh, kiểm tra thuế là công việc bình thường của cơ quan thuế nhưng nhiều DN mong muốn công tác này cần giảm thiểu gánh nặng thời gian và chi phí cho DN”, ông Tuấn nói.