Đó là nhận định của ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bến Tre, khi đánh giá về kết quả 4 năm (2006 - 2010) thực hiện chương trình "Xây dựng mô hình phòng chống bạo lực gia đình" tại Bến Tre, do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tài trợ.
Chương trình được thực hiện ở hai tỉnh là Phú Thọ và Bến Tre với 3 mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình, tăng cường hỗ trợ cho các nạn nhân về y tế, pháp lý… và củng cố sự hợp tác giữa các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Triển khai chương trình, người dân tại các xã được nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, các loại hành vi bạo hành và cách phòng tránh, trong khi đội ngũ chuyên trách được đào tạo nâng cao cả về kiến thức lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Trong 4 năm qua, trung bình mỗi năm, tại địa bàn triển khai dự án có khoảng 115 vụ bạo hành, tăng khoảng 30% so với các năm trước đó và chủ yếu là các vụ bạo hành "nhẹ". Các vụ bạo hành đều được xử lý kịp thời và rốt ráo, giúp các nạn nhân hạn chế được những tổn hại về sức khỏe lẫn tinh thần. Kết quả trên thể hiện sự thành công của chương trình: Nhận thức người dân thay đổi khiến việc nhìn nhận bạo hành gia đình không chỉ giới hạn ở việc đánh đập, gây thương tích về thể xác… mà còn mở rộng sang các hành vi chửi mắng, cưỡng ép quan hệ tình dục, ghen tuông, tảo hôn, phá hoại tài sản gia đình…
Hưng Thịnh - TTXVN