Đó là 20.000 bức thư viết những lời động viên, nhắn nhủ bằng cả sự ngây thơ, ngưỡng mộ và trong sáng của tuổi học trò đến với những chiến sỹ giữa muôn trùng sóng biển. Một món quà tinh thần nữa không thể không nhắc đến là những lá cờ Tổ quốc với đầy đủ chữ ký của Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam, sau khi giành chức Vô địch AFF Cup với ý nghĩa biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sức trẻ đầy nhiệt huyết, cống hiến và ý chí vươn lên chinh phục đỉnh cao.
Tấm lòng tri ân của tuổi trẻ
Quà từ đất liền gửi ra đảo mang đầy hương vị Tết. Nào lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, bánh, mứt; nào măng, miến, khoai tây. Dòng họ Vũ, Võ tỉnh Ninh Thuận gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ 1 chai nước mắm; Hội sinh vật cảnh huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thì tặng mỗi đơn vị vài chậu hoa giấy, quất cảnh; Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thì mang ra đảo vài trăm quả bưởi...
Anh Bùi Hoài Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa cho biết: Những món quà là tình cảm của các bạn đoàn viên mang đến với các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. Những món quà tuy nhỏ như những cành mai, câu đối, nhưng các bạn muốn đem không khí Tết từ đất liền đến với đảo xa. Đó là thể hiện lòng tri ân của tuổi trẻ đến với cán bộ, chiến sỹ. Bên cạnh các anh luôn có tình cảm của thế hệ trẻ, là hậu phương vững chắc để các anh chắc tay súng, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Trong những món quà gửi ra Trường Sa, còn có những là thư, ngây thơ nét chữ học trò. Em Thu Nguyệt, học sinh một trường tiểu học ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang gửi tặng các chú bộ đội một tấm thiệp chúc mừng năm mới có vẽ hình người lính Hải quân đang đứng gác và dòng chữ “Cháu yêu chú bộ đội Trường Sa. Cháu hứa sẽ cố gắng học giỏi, chăm ngoan”. Chừng ấy thôi, cũng đủ làm ấm lòng những người chiến sỹ đang ngày đêm canh gác, gìn giữ biển trời quê hương.
Em Nguyễn Thuỳ Minh, học sinh một trường Trung học phổ thông ở Thái Nguyên viết: "Cháu biết ngoài đảo rất khó khăn và công việc các chú rất gian khổ. Mọi việc sẽ ổn cả thôi, các chú hãy giữ vững ý chí dù trong những ngày mưa hay nắng. Cháu xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các chú, những người lính trên hải đảo đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".
Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: "Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ, chúng tôi đặt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu lên hàng đầu. Chúng tôi quán triệt trong cán bộ, chiến sỹ thực hành nghiêm quy định về sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác tuần tra canh gác, nâng cao ý thức sẵn sàng chiến đấu của cán bộ chiến sỹ toàn đảo".
Dù khó khăn, vất vả nhưng có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn 146 xung phong ra công tác tại Trường Sa. Bởi với người lính Hải quân, nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ cao cả.
Những lá thư Hà Nội
Hàng trăm bức thư, những bưu thiếp của các em học sinh trung học phổ thông ở Hà Nội đều được trân trọng đưa đến tận tay các chiến sỹ trên 33 điểm đảo.
Lá thư của em Nguyễn Thanh Huyền, học sinh lớp 12 có đoạn viết: “Ngày hôm nay, chúng cháu được an nhiên học tập, sinh hoạt, vui chơi… hơn ai hết, cháu vô cùng biết ơn, tự hào, khâm phục các chú - những người anh hùng thầm lặng đang cống hiến, hy sinh hết mình, ngày đêm cầm chắc tay súng để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của Tổ quốc hình chữ S thân yêu. Cháu biết, ở ngoài đó có lẽ các chú sẽ rất nhớ nhà, nhớ cha mẹ già và con thơ… Nhưng cháu cũng biết, tất thảy những điều đó sẽ không thể nào ngăn nổi bước chân cứng cáp đi bảo vệ Tổ quốc của các chú. Cháu tin là như vậy! Cháu tin ở các chú! Cháu hứa sẽ học tập thật tốt để sau này có thể trở thành con người có ích cho xã hội, cho Tổ quốc…”.
Những lời bộc bạch trong thư của các em không chỉ cho thấy sự chân thành, tình cảm yêu thương mà các em dành cho những người lính biển mà còn thể hiện tình cảm thiêng liêng của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.
Trong thư của em Nguyễn Anh Thơ, học sinh lớp 10 viết: "Chúng cháu biết rằng, các chú luôn luôn phải đương đầu, đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn trong công việc và những thiếu thốn về vật chất, tinh thần… Ở nơi bốn bề toàn sóng và gió như vậy, các chú có thấy buồn không? Sau một ngày làm nhiệm vụ, canh gác gian lao, khi mà đêm buông xuống, các chú có lẽ sẽ thấy nhớ gia đình, những người thân ở đất liền. Chúng cháu thực sự khâm phục, ngưỡng mộ các chú vì lòng quả cảm, sẵn sàng hy vinh vì Tổ quốc. Nhưng trong những khó khăn đó, cháu luôn thấy được sự lạc quan, tự tin, luôn hết mình vì công việc, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các chú. Các chú đã bảo vệ bình yên cho Tổ quốc để thế hệ trẻ như chúng cháu được học hành, vui chơi dưới mái trường yêu dấu như ngày nay".
Còn em Đỗ Anh Dũng, học sinh lớp 10 chia sẻ: "Các chú đang vất vả dồn hết sức lực để cố gắng giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng - một phần máu thịt của Tổ quốc. Các chú đã phải rời xa mái ấm thân yêu để ra ngoài đảo xa với bao sóng gió để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước, để những mầm non tương lai như chúng cháu được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Ở Thủ đô Hà Nội với đầy đủ tiện nghi, chúng cháu luôn thương nghĩ về các chú, chúng cháu ngưỡng mộ các chú, những người sống vì Tổ quốc, vì những lý tưởng cao đẹp… Cuối thư cháu chúc các chú luôn mạnh khỏe, vững chắc tay súng hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng cao cả. Tết Nguyên đán đang đến gần, cháu chúc các chú có những ngày Tết vui vẻ, ấm áp, đón chào năm mới với nhiều ước mơ, khởi đầu cho tương lai tốt đẹp. Chúng cháu sẽ luôn tự hào về các chú. Mong sẽ có ngày được gặp mặt các chú nơi đảo xa yêu dấu!".
Nói về những cánh thư thân yêu từ đất liền, anh Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương” cảm nhận: Trong những thời khắc đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang cận kề, những lá thư của các em học sinh gửi đến các đảo sẽ là những món quà tình thần vô cùng ý nghĩa, thể hiện tình cảm giữa đất liền với biên cương hải đảo sâu đậm và thắm thiết… Cùng với những món quà thiết thực khác, những cánh thư của các em góp phần thể hiện tinh thần và trách nhiệm chia sẽ những khó khăn, vất vả của những chiến sỹ đang ngày đêm ở đầu sóng ngọn gió, bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài cuối: Trường Sa đón Tết Kỷ Hợi đầm ấm, yên vui như trên đất liền