Hằng năm, khi mùa lũ về - nước mênh mông, cá vô đồng sinh sản nhiều, cũng là thời điểm người dân chuyên sống bằng nghề câu, lưới, lọp, lờ… vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên đều chuẩn bị “đồ nghề” để đánh bắt và khai thác nguồn lợi thủy sản, lo cho kế sinh nhai của gia đình. Lúc này, chỉ chống xuồng ra đồng thả tay lưới, giăng dàn câu, đặt lờ, lọp… bắt cá, tép… là có thể nuôi sống cả nhà. Thu nhập chính sau vụ lúa vào lúc nông nhàn là vậy!
Nghề thả lưới, giăng câu, đặt lờ, lọp, trúm… của người dân các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng… nằm trong vùng Đồng Tháp Mười ngày càng thu hút người dân tham gia. Bởi nghề này vừa đơn giản - vừa tiện lợi, ít tốn kém mà lại hiệu quả. Chỉ cần có một chiếc xuồng và vài trăm mét lưới, dàn câu… mỗi đêm cũng kiếm được vài chục ký cá là chuyện bình thường! Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ở các xã - ấp nào trong vùng Đồng Tháp Mười cũng có từ vài chục đến vài trăm hộ sống bằng nghề câu, lưới, lờ, lọp, trúm… trong mùa nước nổi. Với khoảng trên - dưới 1,5 triệu đồng vốn để mua xuồng, tay lưới hoặc dàn câu là trang bị được phương tiện - dụng cụ hành nghề kiếm sống vào mùa nước nổi. Còn hộ nào có sẵn xuồng, chỉ cần khoảng 700.000 đồng để mua tay lưới, dàn câu là đủ. Lưới 4 hoặc 5 phân đem giăng sẽ bắt được cá mè vinh, cá rô lớn; còn lưới 2,5 - 3 phân đem giăng sẽ bắt được cá linh, cá dãnh, cá rằm, cá sặc, cá thiểu… Và câu giăng thường bắt được cá lóc, ếch, rắn… Cùng với nghề thả lưới, giăng câu… nghề đặt lọp bắt tép ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười… cũng đang phát triển khá mạnh. Nhiều hộ ở đây, nhờ nghề đặt lọp bắt tép đã thoát khỏi cảnh khó khăn trong mùa nước nổi. Gia đình anh Lê Văn Hùng ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) có hơn 100 cái lọp tép, mỗi đêm vợ chồng anh khai thác được từ 5 – 7kg tép thương phẩm. Đêm nào trúng kiếm cũng được hơn chục kg, bán giá từ 10.000đồng - 12.000đồng/kg, thu hơn 100.000 đồng. Anh Hùng cho biết: “Từ hơn nửa tháng nay, mỗi đêm hai cha con tôi đổ gần 10kg tép, bán cho bạn hàng ở chợ được 10.000đồng/kg, thu hàng trăm ngàn đồng, đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình... Nhờ vậy, mà gia đình tôi ổn định cuộc sống tốt hơn”.
Lũ tràn đồng, người dân các huyện đầu nguồn An Phú ( An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Tân Hưng (Long An)... lại nhộn nhịp đi đặt lờ, lọp, giăng câu, giăng lưới... mưu sinh trong mùa nước nổi . Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Không chỉ có đặt lọp tép, người dân Đồng Tháp Mười còn đi soi ếch, trúm lươn! Người đi soi ếch mang theo giỏ, bao, đèn pha, nơm… Trời tối, người đi soi thường tìm tới những nơi có vũng nước đọng, hố lá, đìa, bàu… và có tiếng ếch kêu nhiều. Sau đó, tắt đèn ngồi rình. Những con ếch bắt cặp say sưa kêu lục cục, người soi bước nhẹ nhàng đến mở đèn lên ra tay bắt từng cặp ếch bỏ vào giỏ. Nếu ếch lặn xuống hồ nước thì dùng nơm chụp. Chỉ cần soi vài giờ là bắt được 5 - 7 kg ếch, vừa cải thiện bữa ăn, vừa kiếm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình! Mỗi kg ếch giá bán dao động ở mức 40.000 - 60.000đồng tùy loại. Anh Ba Tài ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết: “Tôi sắm sẵn 120 cần câu để cho hai đứa con trai lớn đi cắm câu bắt ếch mỗi đêm. Từ lúc thu hoạch lúa hè thu xong tới nay, mỗi đêm hai đứa con tôi bắt được 7kg ếch. Đêm nào trúng kiếm cũng được cỡ 10kg ếch, bán được gần 400.000đồng, cải thiện cuộc sống kinh tế gia đình…” Nghề đặt trúm bắt lươn ở các huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười cũng đang phát triển. Anh Lê Văn Quận ở xã An Phong, huyện Thanh Bình có bốn nhân khẩu hành nghề đặt trúm hơn bốn năm qua cho biết: “Từ ngày mùng 5/5 âm lịch đến nay, mỗi đêm tôi đặt hơn 50 ống trúm, kiếm cũng được khoảng 2 kg lươn. Đêm nào trúng thu hơn 3 kg, bán trên 250.000 đồng!”. Đặt trúm bắt lươn hiện đang là một nghề chính để tạo việc làm và đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình của anh Nguyễn Văn Tư ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Mỗi ngày, vào buổi xế trưa anh Tư cùng đứa con trai thay phiên nhau bơi xuồng dọc theo tuyến đê bao, mương vườn ở địa phương tìm nơi để đặt trúm... Đến 4 - 5 giờ sáng hôm sau đi dỡ trúm thu hoạch lươn. Mồi đặt lươn, anh Tư sử dụng là giun đất, cua, ốc chết, cá tép bị thối... Với 60 ống trúm, bình quân mỗi ngày gia đình anh Tư kiếm được khoảng 5kg lươn, bán cho những thương lái chở đi các chợ xã, huyện... bán giá 150.000đồng/kg lươn loại 1 và 120.000đồng/kg lươn loại 2, thu nhập được trên 400.000đồng/ngày. Anh Tư vui vẻ nói: “Tính bình quân từ nghề đặt trúm bắt lươn hằng năm, vợ chồng tôi kiếm được không dưới 10 triệu đồng, đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và nuôi con ăn học”.
Người dân huyện An Phú (An Giang) đánh bắt cá linh trong mùa nước nổi. Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Vào mùa nước nổi hằng năm, trên dòng Tiền giang (đoạn từ huyện Hồng Ngự đến xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) đã có hơn 100 xuồng, tắc ráng neo đậu trên sông để câu cá basa, cá hú. Thông thường, dàn câu cá basa, cá hú được làm bằng một đoạn sắt tròn, dài từ 5 - 7 tấc uốn cong như cây cung. Hai đầu đoạn sắt nối với một sợi dây gân. Trên đoạn dây gân kéo thẳng, người ta buộc túm từ 7 - 10 lưỡi câu phân chia đều nhau. Bên trên đoạn sắt được buộc bằng một sợi dây dài để thả dàn câu từ chiếc xuồng xuống đáy sông. Sợi dây này dài, ngắn tùy thuộc vào nơi thả câu. Còn mồi câu cá basa chủ yếu là trứng kiến vàng hoặc giun đất. Nghề này cũng đã nuôi sống được nhiều dân nghèo chuyên sống bằng nghề câu cá basa, cá hú qua mùa nước nổi. Tuy nhiên, nghề này cũng thường gặp những khó khăn, bất trắc. Mỗi khi gặp sóng to, gió lớn, mưa bão bất thường nổi lên, các ngư dân không kịp trở tay thì có thể mất hết đồ nghề. Thậm chí, tính mạng cũng rất nguy hiểm. Những năm trước, đã có nhiều người mất mạng vì đang câu cá bỗng sóng gió, mưa bão nổi lên thình lình, thu dọn không kịp…
Sinh hoạt đồng nước vào mùa lũ là một hoạt động thường niên, xuất hiện từ lâu đời ở vùng nông thôn Đồng Tháp Mười. Nghề câu, lưới, lọp, lờ, trúm… nhà nào cũng biết và làm ít- nhiều. Khá một chút xem như kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi. Nhiều hộ thuộc diện nghèo đang rất cần đến nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm phương tiện, dụng cụ đánh bắt và khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Đây là những hoạt động khá hấp dẫn và là cách mưu sinh độc đáo của những người dân miền sông nước vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên…
Trần Trọng Trung