Mưa lũ ở Nghệ An gây thiệt hại lớn, một người mất tích

Trong 3 ngày qua, tại Nghệ An có mưa to. Mực nước các sông suối, hồ đập dâng cao, lũ thượng nguồn đổ về cộng với một số nhà máy thủy điện, thủy lợi xả lũ đã làm cho nhiều khu vực dân cư, đồng ruộng bị ngập sâu.

Chú thích ảnh
Mưa lớn khiến nhiều diện tích nuôi trồng thủy hải sản của người dân thị xã Hoàng Mai bị nước dâng cao, cuốn trôi nhiều tôm cá. Ảnh: TTXVN phát

Thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, đến sáng 26/9, mưa lũ đã làm một người mất tích. Đó là anh Nguyễn Xuân Hiếu, sinh năm 1990, trú tại xóm 1, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ. Ngoài ra, toàn tỉnh có 696 ngôi nhà bị ngập, 5 nhà bị đất đá sạt lở tràn vào; 647,82 ha lúa bị ngập nước; 5.394 con gia cầm bị chết và nước cuốn trôi.

Đến sáng 26/9, tại nhiều xã ở huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai vẫn còn có khu vực dân cư bị ngập trong nước từ 0,5- 1,5m. Tại huyện Thanh Chương, Con Cuông nhiều tuyến đường giao thông, cầu tràn bị ngập sâu hoặc sạt lở, đất đá từ trên núi rơi xuống gây ách tắc giao thông.

Ngay trong tối 25 và sáng 26/9, lãnh đạo UBND các huyện đã trực tiếp xuống địa bàn, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, trong đó trọng tâm là di dời các hộ dân nằm trong vùng có nhiều nguy cơ, người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn; giúp người dân đưa đồ đạc, tài sản, gia súc, gia cầm lên cao, tránh hư hỏng, thiệt hại và bị nước cuốn trôi. Tại huyện Quỳnh Lưu đã có hàng trăm hộ dân được chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn.

Chú thích ảnh
Mưa lớn gây sạt lở rú Nguộc (huyện Thanh Chương, Nghệ An) khiến một khối lượng lớn đất đá đổ xuống Quốc lộ 46. Ảnh: TTXVN phát

Ban Chỉ huy quân sự các địa phương và lực lượng tại chỗ của UBND các xã nằm trong vùng ảnh hưởng của mưa lũ túc trực 100% quân số để hỗ trợ, giúp đỡ người dân, thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu.

UBND tỉnh Nghệ An đang yêu cầu các địa phương và các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi; quản lý chặt chẽ và thực hiện kịp thời các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có việc phân luồng giao thông hợp lý. Các đơn vị chức năng thực hiện giải pháp khắc phục kịp thời thiệt hại, hư hỏng do thiên tai, ưu tiên trước mắt là khôi phục lại tuyến đường giao thông, sản xuất nông nghiệp, công trình trường học, trạm y tế, nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng chốt chặn, không cho người và phương tiện đi qua các khu vực nước sông dâng cao tại một số địa phương thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, để đảm bảo công tác vận hành điều tiết nước, một số công ty thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiến hành xả lũ. Cụ thể, từ 13 giờ 30 phút ngày 25/9, Công ty cổ phần thủy điện Chi Khê tiến hành xả lũ với tổng lưu lượng từ 500 m3/s - 1.200 m3/s; Công ty Thủy điện Bản Ang xả lũ với lưu lượng 200 m3/s - 500 m3/s; Xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai tiến hành xả tràn hồ chứa nước Vực Mấu…

Trước lúc xả lũ, các đơn vị quản lý hồ thủy điện, thủy lợi cùng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương đã khẩn cấp phát đi thông báo cho chính quyền các cấp; cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ phương tiện vận tải thủy và người dân trong khu vực bị ảnh hưởng biết để triển khai các công việc cần thiết, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Kon Tum rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với mưa lũ
Kon Tum rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với mưa lũ

Ngày 23/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có Công điện số 08/CĐ-CTUBND về công tác phòng, tránh, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN