Theo phương án do Công ty chủ quản của các nhà máy thủy điện trên địa bàn trình lên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt, chỉ đạo các đơn vị này phối hợp với các địa phương nơi có công trình triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố, đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng do xả nước phát điện gây ngập lụt phía hạ lưu nhà máy; xây dựng phương án cảnh báo phía hạ lưu khi nhà máy xả nước phát điện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát hiện những nội dung không phù hợp, chủ đập báo cáo, đề xuất Sở Công Thương thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và các vùng hạ lưu.
Cụ thể Nhà máy thủy điện Đa Dâng 3 của Công ty cổ phần Thủy điện Đa Dâng 3 với công xuất phát điện 12MW, được xây dựng trên địa bàn 3 huyện Lâm Hà, Đức Trọng và Di Linh, thời điểm đưa hồ chứa vào khai thác sử dụng từ tháng 2/2018. Công ty chủ quản của nhà máy này đã xây dựng phương án đối phó với các tình huống khẩn cấp, cao nhất là tình huống vỡ đập đầu mối với lũ thiết kế 1%. Trước tháng 4 hằng năm, Công ty thực hiện quy trình sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị trước mùa mưa lũ; diễn tập thuần thục với các tình huống giả định có thể xảy ra; chuẩn bị vật tư, dụng cụ, công cụ dự phòng và phương án triển khai các tình huống cụ thể như khi phát hiện nguy cơ vỡ đập thì báo cáo với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các huyện liên quan, thông báo bằng loa phát thanh tại các địa phương bị ảnh hưởng; cho dừng vận hành máy, cô lập các thiết bị điện trong nhà máy với hệ thống để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, kết thúc lũ, sửa chữa, khắc phục thiết bị…
Các nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 với công suất thiết kế 15MW nằm trên các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh; Nhà máy thủy điện Đăk Mê 1 với công xuất 6MW nằm trên địa bàn huyện Đam Rông cũng có phương án bảo vệ hồ, đập phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể, giao nhân viên hằng ngày thường xuyên theo dõi điều tiết mực nước cho sản xuất điện kết hợp với kiểm tra thường xuyên tình trạng bên ngoài của hồ, đập; đảm bảo trực ban 24/24 giờ trong ngày tại các vị trí xung yếu; trường hợp có lũ lớn hoặc đập có sự cố bất thường thì thực hiện theo phương án đã xây dựng, khẩn trương sử dụng nhân lực, thiết bị, vật tư tại chỗ để tổ chức khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo kịp thời với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để phối hợp xử lý...
Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 33 nhà máy thủy điện hoạt động với tổng công suất lắp đặt 2.084,3 MW. Riêng trong giai đoạn 2016-2020 có 11 dự án thủy điện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng công suất lắp máy 112,3 MW. Trong những năm qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, một số hồ chứa thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho rau, màu của người dân trên địa bàn. Điển hình như ngày 29/11/2020, hồ Đa Nhim (từ thủy điện Đam Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi) xả lũ làm ngập úng hơn 350 ha rau màu của vùng hạ lưu.