Hiện, địa phương đã xác định được một số vị trí bị thiệt hại, khẩn trương khắc phục và đang tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Tại huyện Đăk Glei, do ảnh hưởng của mưa lớn, nước sông Pô Kô dâng cao, cầu treo bắc qua sông nối thị trấn Đăk Glei với các thôn Đông Sông, Đông Thượng đã bị nước lũ cuốn trôi mố cầu. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đăk Glei, vị trí mố cầu này đã bị ảnh hưởng, sạt lở từ năm 2020, đến nay do nước lớn nên đã bị cuốn trôi. Ngoài ra, khu vực gần cầu treo có hai cây cầu kiên cố khác nên người dân ở hai thôn trên vẫn có thể qua lại được, không bị chia cắt. Hiện, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, không để người dân đi qua các vị trí bị sạt lở, ngập lụt; đồng thời, huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di dời tài sản lên cao, di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt ra khỏi nơi nguy hiểm.
Ông A Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô cho biết, mưa lớn từ đêm 16, rạng sáng 17/10 đã khiến mực nước các sông, suối trên địa bàn dâng cao, đặc biệt là sông Pô Kô. May mắn, chưa có thiệt hại nào về người và tài sản; các diện tích cây trồng, hoa màu trên địa bàn chưa bị ngập lụt. Tuy nhiên, địa phương cũng đã chủ động cử lực lượng chuyên môn thường xuyên túc trực, cảnh báo người dân, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, mưa lớn cũng đã khiến nước sông Đăk Pxi dâng cao, gây ngập úng ở một số nơi. Đặc biệt, cầu tràn bắc qua sông nối vào trung tâm xã Đăk Pxi đã bị ngập, không thể đi lại. Tuyến đường Tỉnh lộ 677 nối xã Đăk Hring, Đăk Pxi đến xã Đăk Côi, huyện Kon Rẫy bị sạt lở ta luy dương ở một số điểm. Hiện, chính quyền xã cũng đã cắm biển cảnh báo không để người dân và phương tiện lưu thông qua các vị trí nguy hiểm.
Tại khu vực thành phố Kon Tum, nước sông Đăk Bla cũng đã bắt đầu dâng. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, một số tuyến đường trên địa bàn thành phố cũng bị ngập úng cục bộ, gây cản trở giao thông.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, có khả năng đạt từ 50- 100mm. Nguy cơ sạt lở đất từ cao đến rất cao xảy ra tại 9/10 huyện, thành phố của tỉnh (trừ huyện Ia H’Drai); nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét tại các huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Đăk Glei, Kon Plông. Mức độ rủi ro do lũ quét, sạt lở đất cấp 1.
Trong khi đó, từ nay đến đêm 17/10, rạng sáng 18/10, mực nước trên các sông Đăk Bla, Đăk Tờ Kan, Pô Kô, Đăk Psi tiếp tục dâng cao, đạt mức báo động 3. Nước lũ sẽ gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc các huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Đăk Glei, Kon Plong, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum. Mức độ rủi ro do lũ, ngập lụt ở cấp 2.
* Sáng 17/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có Công văn số 3728/UBND-NNTN về việc chủ động ứng phó mưa lũ, ngập lụt, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với các hình thái thời tiết, thiên tai cực đoan thời gian tới; đồng thời, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương cần huy động lực lượng xung kích tại cơ sở nhằm kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; kiểm soát, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
UBND tỉnh Kon Tum đề nghị, các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; chủ động phân công lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tập trung huy động lực lượng khắc phục kịp thời sự cố sạt lở, nhất là nhà ở người dân, cầu, tràn, công trình thủy lợi, các tuyến giao thông bị sạt lở... đảm bảo an toàn, phục vụ nhu cầu sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng thiên tai.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, dự báo trong 24 giờ tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông có khả năng đạt từ 80 - 150mm; các huyện còn lại lượng mưa đạt từ 40 - 80mm. Các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.