Mùa khô 2024: Sẵn sàng ứng phó, hạn chế thiệt hại do cháy rừng

Theo dự báo của cơ quan chức năng, năm 2024, hiện tượng El Nino và mùa khô 2023-2024 có khác biệt so với mùa khô các năm trước là ít mưa trái mùa.

Chú thích ảnh
Đám cháy tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, ngày 25/3/2024. Ảnh: TTXVN phát

Từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau là những tháng thấp điểm của công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô. Tuy nhiên năm nay từ giữa tháng 1/2024, tại nhiều địa phương đã xảy ra nắng nóng gay gắt, dự báo cháy rừng luôn luôn ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Chủ động ứng phó

Trước tình hình nắng nóng kéo dài là điều kiện phát sinh cháy, đặc biệt là cháy rừng, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) đã khuyến cáo chủ rừng và người dân cần thực hiện nghiêm những biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trong đợt cao điểm mùa khô năm 2024.

Theo đó các chủ rừng và người dân cần chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết, khí hậu, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, cấp dự báo cháy rừng, vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Các chủ rừng, cơ sở và người dân sinh sống, hoạt động ven rừng, trong rừng cần chủ động lập các biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đồng thời phải nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác này; quản lý chặt chẽ trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; thường xuyên nghiên cứu, tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng chữa cháy rừng.

Các chủ rừng phải tổ chức thường trực phòng cháy, chữa cháy, tăng cường công tác tự kiểm tra, tuần tra kiểm soát tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng và triển khai xử lý có hiệu quả an toàn… Chủ rừng phải bảo đảm các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, như: có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tạo đường băng cản lửa, kênh, mương ngăn lửa; nguồn cấp nước chữa cháy; chòi quan sát phát hiện cháy rừng; tháp quan trắc lửa rừng; hệ thống biển cấm, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy rừng; hệ thống dự báo, cảnh báo cháy rừng và các công trình khác phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy rừng.

Khi đốt nương, làm rẫy, dọn dẹp thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng, người dân phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng; tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. Trước khi đốt phải thông báo với chính quyền địa phương; trong khi đốt phải chia các vật liệu cháy thành từng nhóm nhỏ và xử lý lần lượt, quá trình đốt phải bố trí đầy đủ người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.

Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp, huy động sự tham gia của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó, chữa cháy rừng trong mọi tình huống; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi để xảy ra cháy rừng mà không có các biện pháp xử lý kịp thời, triệt để. Các địa phương bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ (khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V) các ngày trong tuần (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ) tại các trụ sở, chốt/trạm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, dễ cháy. Các chủ rừng chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra cháy rừng mà không có các biện pháp xử lý kịp thời hoặc vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng được Chi cục Kiểm lâm vùng IV hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị phòng, chống cháy rừng trong 2 tháng cao điểm mùa khô (tháng 3  - 4/2024). Theo đó, Chi cục Kiểm lâm vùng IV đã thành lập Tổ thường trực thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Lâm Đồng gồm 12 người. Ngoài hỗ trợ kiểm lâm địa bàn trong công tác phòng, chống cháy rừng, Tổ thường trực còn được trang bị thêm các phương tiện, trang thiết bị và dụng cụ để trực tiếp tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng như xe chữa cháy chuyên dụng (xe cỡ lớn dung tích trên 2 tấn nước, có vòi xịt tầm xa), bình chữa cháy di động đeo vai.

Mùa khô năm 2024, tỉnh An Giang xác định tổng diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy là gần 7.370 ha, chiếm 43,7% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Trong đó, thị xã Tịnh Biên có trên 2.900 ha với nguy cơ xảy ra cháy tập trung ở khu vực như: Rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, núi Phú Cường, cụm núi Đất, núi Nhọn, đồi Kakô, khu vực Latina-Tà Lọt... UBND tỉnh An Giang đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực trọng điểm cháy; trang bị 4 xe tải phục vụ chuyển quân phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Các lực lượng còn sử dụng một xe chuyên dùng cơ động của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc, 1 xe 15 chỗ của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn quản lý, 59 xuồng và vỏ lãi. Các huyện trên địa bàn trang bị 126 máy chữa cháy chuyên dụng; 146 máy chữa cháy đeo vai và trên 7.500 các dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào, kẻng báo động…

Từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt; dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Nguy cơ cháy rừng đặc biệt cao ở các huyện phía Bắc của tỉnh, nơi khoảng 3 - 4 tháng nay trời liên tục nắng nóng, không có mưa. UBND tỉnh chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động canh tác nương rẫy, xử lý thực bì trồng rừng và những hành vi sử dụng lửa khác tại các khu vực giáp rừng; nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và mọi hành vi đốt, xử lý thực bì, đốt nương rẫy không đúng quy định. Các đơn vị chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, khống chế, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra...

Liên tiếp xảy ra cháy rừng

Từ đầu tháng 3 đến nay, tại nhiều địa phương đã xảy ra cháy rừng, có địa phương xảy ra liên tiếp ở các địa bàn khác nhau. Nhiều diện tích rừng bị thiệt hại.

Đến sáng 26/3, lực lượng chức năng của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã dập tắt cháy rừng tại bản Dào Cu Nha và Hú Trù Lình, xã Lao Chải. Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, hiện chưa xác định được nguyên nhân cháy. Núi cao, cây cỏ nhiều, ngọn lửa theo chiều gió khiến đám cháy lan rất nhanh. Thống kê ban đầu thiệt hại khoảng 2,5 ha rừng tái sinh, còn lại là lau lách, bãi chăn thả gia súc của dân.

Gần 1 tháng qua, tỉnh Yên Bái đã ghi nhận ít nhất 5 vụ cháy rừng ở khu vực phía Tây. Từ ngày 19 - 21/2, tại huyện Mù Cang Chải xảy ra 3 vụ cháy làm thiệt hại 13 ha rừng tại các xã Chế Tạo, Lao Chải, Mồ Dề. Ngày 5/3, tại huyện Trạm Tấu đã xảy ra 1 vụ cháy rừng ở Túc Đán với diện tích bị cháy khoảng 110 ha, chủ yếu là bãi chăn thả, cỏ lau lách. Ngày 6/3, xảy ra vụ cháy 2,6 ha rừng tại Tiểu khu 471, thôn Bản Hán, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ.

Từ 8 đến 22/3, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 3 vụ cháy rừng. Vụ cháy rừng tại Tiểu khu 484 (xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc) vào tối 22/3 đã gây thiệt hại khoảng 2ha rừng nghèo kiệt thuộc rừng phòng hộ (chủ yếu là cây bụi, tre nứa, cây đót rừng), trong đó khoảng 1ha cây rừng đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Chiều tối 12/3, xảy ra cháy rừng tại Tiểu khu 466A (thôn 9, xã Đam B’ri, thành phố Bảo Lộc). Đây là diện tích rừng thông thuộc Dự án trồng, chăm sóc rừng do Hạt Kiểm lâm thành phố quản lý. Cơ quan chức năng xác định có khoảng 250 cây thông từ 3 - 5 năm tuổi bị lửa thiêu rụi, hàng trăm cây thông hàng chục năm tuổi bị cháy sém gốc. Trước đó, ngày 8 - 9/3, liên tiếp xảy ra cháy rừng trồng và cháy vườn cà phê tại xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc khiến nhiều cây keo lá tràm, cây cà phê bị thiêu rụi.

Hơn 10 ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên (khu vực thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã bị cháy vào chiều 19/2. Chính quyền thị xã Sa Pa đã huy động gần 400 người dập lửa, khoanh vùng không để lan vào khu vực rừng già. Do điểm cháy nằm ở độ cao khoảng 1.900m so với mực nước biển, lớp thực bì dày, gió thổi mạnh và đổi hướng liên tục khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Hoàng Vân (TTXVN)
An Giang nâng cảnh báo nguy cơ cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm
An Giang nâng cảnh báo nguy cơ cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm

Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn đang diễn ra gay gắt, tỉnh An Giang đã nâng cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng lên cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN