Nhận định về diễn biến thời tiết khu vực miền núi phía Bắc từ nay đến cuối năm, ông Mai Văn Khiêm cho biết, qua giám sát về hiện tượng ENSO còn duy trì ở pha trung tính, nhưng vẫn nghiêng về pha lạnh trong khoảng một, hai tháng tới. Sau đó nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực Nino3.4 tiếp tục lạnh đi và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 60% vào các tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhưng có cường độ yếu và ít có khả năng kéo dài.
“Dự báo, mùa đông đến sớm hơn, không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa đông năm 2020-2021 thấp hơn so với năm 2019-2020. Vì vậy, khả năng mùa đông ở Bắc bộ đến sớm và người dân sẽ được đón cái rét đầu mùa sớm hơn", ông Khiêm nhận định.
Bên cạnh đó, không khí lạnh ảnh hưởng trong giai đoạn bão vẫn còn hoạt động, do đó cần đề phòng tổ hợp của không khí lạnh kết hợp với áp thấp nhiệt đới, bão. Theo dự báo, hoạt động bão/áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía bắc khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ một đến hai cơn bão/áp thấp nhiệt đới và rơi vào tháng 8 và 9. Không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông có thể gây mưa, lũ lớn ở các tỉnh miền Trung, nhất là giai đoạn tháng 11 và 12/2020.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020, bão sẽ có xu hướng di chuyển lệch nhiều về miền Trung và phía Nam. “Mặc dù vậy, khu vực phía Bắc không được chủ quan. Lịch sử đã chứng minh, tuy bão vào khu vực Thanh Hóa-Nghệ An và các điểm khác, nhưng hoàn lưu bão, mưa lớn và những tác động từ xa của bão vẫn làm tràn đê, gây ảnh hưởng nặng nề ở nhiều tỉnh phía Bắc”, ông Khiêm cảnh báo.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia khuyến cáo, mùa mưa bão năm 2020, các địa phương cần hết sức chú ý đến tác động của sóng cao kết hợp với triều cường làm ảnh hưởng đến hệ thống đê bao, đập chắn.
Dự báo, từ tháng 7-12/2020, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh trong những tháng cuối năm 2020. Do tác động của pha lạnh, nên thời tiết, khí hậu có sự thay đổi đáng kể.
Cụ thể, mưa, bão có khả năng gia tăng hơn từ mùa thu năm nay (khoảng từ tháng 9-12). Đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc. Gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng 7-8 ở vùng biển phía Nam Biển Đông. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm.
Về nắng nóng, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình từ tháng 7-9 phổ biến ở mức cao hơn nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C. Tháng 10-12, nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5-1,0 độ C. Riêng Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7 ở Bắc Bộ và tháng 7-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.