Việc cả gia tộc cùng đồng lòng hiến đất là điều hiếm thấy. Trong 1.800m2 đất được hiến có 500m2 đất ở, 1.300m2 đất màu và nhiều công trình xây dựng trên đất. Tại buổi hiến đất, Trưởng gia tộc Trần Đức, ông Trần Đức Nghị đã trao sổ đỏ toàn bộ 1.800m2 đất cho đại diện UBND thị xã Hoài Nhơn.
Theo ông Trần Đức Nghị, việc gia tộc Trần Đức hiến 1.800m2 đất với mong muốn thị xã Hoài Nhơn sẽ phục dựng và tôn tạo quần thể di tích Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ và Di tích mộ Cống Quận công Trần Đức Hòa nhằm phát huy cao nhất giá trị của quần thể di tích này.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo cho biết: Cống Quận công Trần Đức Hòa đã có công ơn to lớn, vùng đất phủ Quy Nhơn. Cụ Trần Đức Hòa là người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn ngày nay), ông vốn là con của nhà tướng nên buổi đầu được làm chức Hoằng tín đại phu, sau đổi làm Đô Chỉ huy sứ quyền nhiếp vệ Cẩm y. Nhờ có công trạng to lớn nên được chúa Nguyễn phong giữ chức Khám lý phủ Quy Nhơn, tước phong Cống Quận công. Ông là người có tài không những biết vỗ an dân chúng, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo hậu phương của phía nam mà còn mưu tính đại sự cho nghiệp bá vương, kinh bang tế thế nên được chúa Nguyễn rất trọng dụng.
Cụ Trần Đức Hòa cũng là người có công rất lớn trong việc tiến cử Đào Duy Từ - người đứng đầu các công thần khai quốc lên chúa Nguyễn. Đáng chú ý, việc xuất hiện chữ Quốc ngữ sớm ở Quy Nhơn nhờ có vai trò to lớn của Cống Quận công Trần Đức Hòa.
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn cùng gia tộc Trần Đức phục dựng, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần của quần thể Di tích đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ và mộ Cống Quận công Trần Đức Hòa.