Mở rộng phạm vi thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

Ngày 10/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổng kết thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại hai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định: Thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã phối hợp với các ban, ngành chức năng liên quan triển khai tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (mỗi thành phố 5 quận, huyện và 10 xã, phường) trong thời gian từ 15/11/2015 - 15/11/2016.


Theo đó, tại TP Hà Nội, 65 đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.536 cơ sở, trong đó thanh tra 781 cơ sở, kiểm tra 2.755 cơ sở; xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, 29 đoàn thành tra đã tiến thành thanh tra, kiểm tra 3.968 cơ sở, trong đó thanh tra 1.377 cơ sở, kiểm tra 2.591 cơ sở; xử lý vi phạm 2.163 cở sở, phạt tiền 923 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 4 tỷ đồng.


Thứ trưởng Trương Quốc Cường nêu rõ: Đợt thanh tra, kiểm tra đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, huy động nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân...


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương thí điểm còn gặp khó khăn về nhân lực thực hiện, không có cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm; đặc biệt là cấp xã, phường thiếu cán bộ có chuyên môn về an toàn thực phẩm, còn tình trạng tâm lý sợ sai, ngại va chạm khi thi hành nhiệm vụ của cán bộ cấp quận, cấp phường đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện...


Việc phân công nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế khi giao ngành Y tế chịu trách nhiệm quản lý liên quan đến các cơ quan đồng cấp. Ở cấp tỉnh, thành phố, Sở Y tế không chỉ đạo được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; ở cấp quận, huyện, Phòng Y tế cũng không chỉ đạo được Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp hay Đội Quản lý thị trường...


Từ những tồn tại đó, Bộ Y tế cũng đề xuất mở rộng phạm vi và thời gian thí điểm. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần mở rộng 100% số quận, huyện và phường, xã. Mở rộng thêm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh khác như: Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Nai.


Bộ Y tế đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc đánh giá Luật an toàn thực phẩm, xem xét điều chỉnh, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phân công Bộ, ngành quản lý sản phẩm thực phẩm và sản phẩm chưa phải là sản phẩm thực phẩm sử dụng cho người; trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm…


Quốc Trị (TTXVN)
Liên kết, truy xuất nguồn gốc để thực hiện tốt an toàn thực phẩm
Liên kết, truy xuất nguồn gốc để thực hiện tốt an toàn thực phẩm

Ngày 6/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016” tổ chức hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật tại khu vực phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN