Mở rộng Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) thêm 244 ha

Nhằm làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách trong ngoài nước, tỉnh Tiền Giang chủ trương mở rộng Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười nằm trên địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước.

Chú thích ảnh
Nhiều loài chim quý hiếm được nuôi dưỡng, bảo tồn tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Ảnh tư liệu: Nam Thái /TTXVN

Theo đó, cùng với vùng lõi hiện hữu gần 107 ha, tỉnh sẽ mở rộng thêm vùng đệm 244 ha. Việc mở rộng Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh sẽ thu hồi 60 ha để trồng rừng, mở rộng Khu Bảo tồn hiện hữu, trong đó có 30 ha nằm ở phía Bắc và 30 ha nằm ở phía Nam Khu Bảo tồn. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), tỉnh sẽ mở rộng phần còn lại trên cơ sở xác định lộ trình phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, bên cạnh đó, địa phương quan tâm mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái tiểu vùng Đồng Tháp Mười mà Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là một trong những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn du khách. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Tân Phước, nơi đây có lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Tại đây, địa phương đã đầu tư nhiều hạng mục phục vụ phát triển du lịch sinh thái như: Bến bãi đỗ cho tàu, xe, trạm dừng chân, cầu tàu, đường nội bộ, đài quan sát chim và ngắm cảnh Khu Bảo tồn… Đồng thời, huyện tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông thủy, bộ, kết nối với các địa phương trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười, mời gọi các nhà đầu tư dự án phát triển du lịch… Các hoạt động này gắn với mục tiêu vừa bảo tồn hệ sinh thái động thực vật đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, phát triển du lịch, thu hút du khách trong, ngoài nước.

Trước đó, vào năm 2000, nhằm bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm đặc hữu, bảo vệ môi trường sinh thái kết hợp với phát triển du lịch, UBND tỉnh Tiền Giang thành lập Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Khu Bảo tồn nằm trên địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, có tổng diện tích gần 107 ha; trong đó, ao nước trung tâm rộng khoảng 1 ha, diện tích còn lại là các khu đất để trồng và nuôi các loài cây, con đặc hữu cần bảo tồn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, Khu Bảo tồn có nhiệm vụ bảo tồn các loài động, thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười cũng như tổ chức nghiên cứu, quản lý, bảo vệ và bảo tồn, khôi phục hệ sinh thái rừng tràm ngập nước chua phèn đặc trưng, các sinh cảnh rừng, các nguồn gen quý, bảo vệ và nhân lên về số lượng các loài đặc trưng có nguy cơ tuyệt chủng.

Hơn 23 năm thành lập, đến nay, Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) đã trở thành mái nhà của trên 12.000 con chim, cò trú ngụ, sinh sống. Trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Cần Đước, Giang Sen, Già Đẩy… Khu Bảo tồn còn có 8 loài cá, 19 loài bò sát, 16 loài thú và 36 loài chim đang sinh sống; trên 6.000 cây bản địa gồm tre, trúc, tràm, cà na... tạo thành lá phổi xanh của toàn vùng.

Thực tế cho thấy, do số lượng chim, cò về trú ngụ, sinh sản ngày càng đông, diện tích rừng tràm hiện hữu không còn đủ chỗ, việc mở rộng Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười hết sức cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn, vừa phát triển du lịch sinh thái tiểu vùng Đồng Tháp Mười bền vững.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Phát triển bền vững du lịch vùng Đồng Tháp Mười - Bài cuối: Gỡ 'nút thắt', khai thác hiệu quả tiềm năng
Phát triển bền vững du lịch vùng Đồng Tháp Mười - Bài cuối: Gỡ 'nút thắt', khai thác hiệu quả tiềm năng

Các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát triển du lịch. Tuy nhiên, hoạt động khai thác du lịch tại các địa phương đến nay vẫn chưa phát triển như mong muốn. Các địa phương này đang tìm cách "tháo gỡ" khó khăn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN