Bài 1: Tiềm năng phát triển
Với cảnh quan thiên nhiên cùng hệ sinh thái đa dạng, ba địa phương thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười hình thành các điểm du lịch cùng nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
Du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh
Huyện Tân Phước (Tiền Giang) nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 25km, có hệ thống giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường thủy (tiếp giáp cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có 5 tuyến tỉnh lộ, hệ thống kênh rạch chằng chịt...) cùng nhiều tuyến đường kết nối trục giao thông liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện thuận lợi để kết nối các tuyến du lịch.
Theo ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười đa văn hóa và có vị trí riêng.
Tân Phước có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười. Trong đó, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười diện tích 107 ha, là nơi lưu giữ hệ sinh thái nguyên sinh của vùng Đồng Tháp Mười xưa, được đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch sinh thái. Khu bảo tồn được đầu tư kinh phí cho các hạng mục phục vụ phát triển du lịch như, Nhà dừng chân, bến xe, bến cầu tàu, đường nội khu... Diện tích đất trồng khóm (dứa) lớn với hơn 15.000 ha tạo nên cảnh sắc đặc trưng cho vùng đất từng là "rốn lũ, rốn phèn". Ngoài ra, Tân Phước còn có các làng nghề gắn liền với cây trồng tại địa phương như, làng nghề bàng buông xã Tân Hòa Thành, cơ sở sản xuất kẹo, mứt khóm.
Bên cạnh lợi thế tự nhiên, Tân Phước còn có 9 di tích được công nhận, trong đó, có những di tích có khả năng kết nối du lịch về nguồn gồm, bến đò Phú Mỹ, đình Phú Mỹ, đình Dương Hòa, miếu bà Chúa Xứ Cống Tượng.
Về du lịch tâm linh, huyện có hai cơ sở tôn giáo gồm chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự), Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác được xem là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách thập phương đến tham quan, lễ Phật. Những năm gần đây, khách đến tham quan, chiêm bái, lễ Phật lên đến khoảng 200.000 lượt mỗi năm. Năm 2023, lượng khách đến Tân Phước đạt gần 250.000 lượt.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, với quy mô cùng lối kiến trúc xây dựng độc đáo, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là điểm nhấn độc đáo, kết hợp khai thác các tiềm năng du lịch khác trên địa bàn huyện nên ngày càng thu hút khách du lịch.
Chị Võ Thị Mai, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thường xuyên đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ở huyện Tân Phước để lễ Phật và tham quan cảnh đẹp ở đây. Chị chia sẻ, ngoài Thiền viện, khách du lịch còn có thể ghé thăm di tích chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự) gần 100 năm tuổi hoặc thăm miếu bà Chúa xứ Cống Tượng…; đồng thời tham quan cánh đồng khóm bạt ngàn, thưởng thức đặc sản kẹo khóm nổi tiếng ở đây…
Đồng Tháp nằm ở đầu nguồn sông Tiền, vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn, nổi tiếng với những cánh đồng sen hiện diện khắp nơi. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn giữ được nét hoang sơ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, nghệ thuật ẩm thực độc đáo, con người hiền lành, mến khách… Những điều này là nền tảng để hình thành khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Một phần của huyện Tháp Mười, Cao Lãnh và Tam Nông (Đồng Tháp) nằm trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, nơi đây có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái. Đồng Tháp sở hữu hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Đất đai trù phú, cây cối xanh tươi, nhiều sản vật nổi tiếng, người dân thân thiện, mến khách. Cùng với đó, xu hướng du lịch của khách quốc tế trong những năm gần đây là trải nghiệm, khám phá vùng nông thôn, tham gia hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương… là cơ hội cho du lịch sinh thái phát triển.
Với những tiềm năng, thế mạnh vốn có, Đồng Tháp hình thành các khu du lịch sinh thái ở khu vực Đồng Tháp Mười như, Khu du lịch Tràm Chim (huyện Tam Nông), Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng và Khu di tích Xẻo Quít (huyện Cao Lãnh)… thu hút nhiều du khách gần xa. Vườn quốc gia Tràm Chim rộng gần 7.400 ha, với hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười xưa. Đây là Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, thứ 4 ở Việt Nam.
Vườn quốc gia Tràm Chim có hơn 230 loài chim sinh sống, trong đó, có 32 loài quý hiếm, 16 loài nằm trong sách đỏ. Ở Tràm Chim, du khách được chiêm ngưỡng khung cảnh một Đồng Tháp Mười thu nhỏ với rừng tràm, ruộng cỏ năng, lúa ma, cánh đồng sen, những đàn chim, cò bay lượn rợp trời cùng nhiều loài thực vật bản địa.
Sáng sớm, trời mát, trong lành, ngồi trên xuồng len lỏi giữa tán rừng tràm, cảm giác thật tuyệt vời. Được tận mắt thấy những loài chim, nhiều loài cây trước đây chỉ bắt gặp trong truyền hình và mạng xã hội, chị Hương Trần Thị Kim Hương ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh định vị Vườn Quốc gia Tràm Chim là một trong những nơi để du khách đến tham quan, trải nghiệm, hiểu hơn về hệ sinh thái đất ngập nước. Tỉnh khai thác du lịch trên tinh thần tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn tại Vườn Quốc gia và phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan định hướng người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch bền vững.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, thứ hạng du lịch của Đồng Tháp nhiều năm qua tiếp tục được khẳng định, đứng đầu cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long về lượt khách và doanh thu. Ước cả năm 2023, tỉnh đón và phục vụ khoảng 4 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng.
Phát triển du lịch cộng đồng
Long An là địa phương có hệ sinh thái rừng tràm, lau sậy, đầm sen, bông súng và các loại động vật như cá, rắn, rùa, chim cò... tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười. Với cảnh quan phong phú, đa dạng, Long An hình thành điểm du lịch sinh thái kết hợp hoạt động du lịch cộng đồng hấp dẫn như, làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu du lịch Cánh đồng bất tận…
Tọa lạc giữa mảng rừng tràm xanh ngát, len giữa là kênh rạch chằng chịt, hòa cùng lau sậy, những đám hoa súng trải dài theo con nước, làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) hiện lên như ốc đảo bình yên, trong lành, hoang sơ, đầy thi vị. Đặc biệt, vào mùa nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), ghé làng nổi Tân Lập, du khách được đắm chìm trong không gian của vương quốc chim, cò và những loài động thực vật vùng Đồng Tháp Mười.
Chị Hồ Thị Thu Hằng, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chị thích cùng gia đình đến tham quan cảnh vật cũng như hít thở không khí trong lành ở làng nổi Tân Lập. Cảnh vật thanh bình, rất gần gũi thiên nhiên, cảm giác chèo xuồng dạo chơi giữa dòng kênh với hoa súng nở vào buổi sáng rất đẹp. Chị chọn ở lại đây một đêm để cảm nhận hết vẻ đẹp thiên nhiên cũng như ẩm thực vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi.
Du lịch sinh thái hiện là một trong 3 nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu tỉnh Long An tập trung phát triển. Tỉnh đang từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái nhằm tạo sức thu hút; đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thương hiệu.
Bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Long An thông tin, tỉnh có rất nhiều tài nguyên du lịch, tuy nhiên, hiện nay, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư đúng nghĩa để phát triển du lịch. Dù vậy, nơi đây đang là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, ưa thích với nhiều du khách trong và ngoài nước. Mỗi năm, Long An thu hút khoảng 1,8 triệu lượt du khách, trong đó, phần lớn khách trải nghiệm du lịch sinh thái. Thời gian tới, tỉnh có nhiều định hướng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 3,6 triệu lượt du khách.
Tại Hội thảo “Giới thiệu tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch huyện Tân Phước” vừa diễn ra, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, Tân Phước mang trong mình "bảo tàng thu nhỏ" của tiểu vùng Đồng Tháp Mười nên cần phát triển du lịch theo hướng đặc trưng hơn nhưng vẫn đảm bảo tính kết nối với vùng phía Tây, phía Đông của tỉnh Tiền Giang và là nơi kết nối cả vùng Đồng Tháp Mười. Vì vậy, việc quy hoạch về du lịch ở huyện Tân Phước cần phát triển thêm về du lịch sinh thái nhân văn bên cạnh sinh thái tự nhiên, gắn liền với sinh thái văn hóa và tâm linh phật giáo. Còn với huyện Tân Phước, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng sẽ là thế mạnh và người nông dân là chủ thể.
Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, thời gian tới, Tân Phước tập trung khai thác, đa dạng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng như rừng tràm, ruộng dứa; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch khác; tăng cường xúc tiến, quảng bá cũng như liên kết đơn vị du lịch trong vùng Đồng Tháp Mười...
Bài cuối: Gỡ 'nút thắt', khai thác hiệu quả tiềm năng