Mô hình trường bán trú dân tộc giúp học sinh yên tâm đi học

Từ năm học 2010 - 2011, ngành giáo dục huyện Than Uyên (Lai Châu) triển khai thực hiện mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú theo tinh thần của Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 24 của Bộ GD & ĐT. Mô hình này bước đầu đã có hiệu quả rõ nét, vấn đề xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, cả về số lượng và chất lượng học sinh bán trú đều được tăng lên. Toàn dân đều hưởng ứng mạnh mẽ, vì nhờ có Nhà nước hỗ trợ con cái họ mới có điều kiện thuận lợi tới trường học cái chữ; ước mơ của những đứa trẻ vùng cao sẽ được chắp đôi cánh để bay xa hơn...

Chung sức vì các em thân yêu...

Các em học sinh tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Than Uyên nói riêng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh còn nghèo, thiếu thốn, địa bàn phức tạp và đồi núi cách trở nên việc đi lại rất khó khăn... Vì vậy, thực hiện mô hình trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú là nhân tố quan trọng, động lực để các em được tới trường. Mô hình bán trú chưa được triển khai, với điều kiện gia đình nghèo, nhà ở xa trường thì việc cho con đi học quả là một gánh nặng, chật vật đối với các bậc phụ huynh. Dù các em đã được hưởng chế độ hỗ trợ theo Chương trình 112 của Chính phủ là 120 nghìn đồng/tháng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với giá cả tăng cao hiện nay. Nhiều gia đình bữa ăn, bữa nhịn thì sao mơ con mình được học cao hơn nữa, chỉ cần nó học biết mặt chữ là bắt về tham gia lao động, hay cưới vợ, cưới chồng rồi sinh con. Chính vì thế mà tình trạng học sinh bỏ học rất cao, tỷ lệ chuyên cần thấp, nạn tảo hôn cũng tăng nhanh, dân trí thấp lại hoàn thấp.

Giờ tập thể dục giữa buổi ở trường PTDT bán trú THCS xã Ta Gia.

Sau một năm thực hiện bán trú, tính đến thời điểm này toàn huyện có 13 trường có học sinh ở bán trú, trong đó 8 trường chuyển đổi thành mô hình PTDT bán trú (THCS 4 trường, tiểu học 4 trường); còn các trường mầm non theo chế độ hỗ trợ nên nấu ăn cho các cháu cơm trưa. Mỗi em học sinh bán trú được hưởng 332 nghìn đồng/tháng, các em đều ăn ở lại trường cuối tuần mới về nhà. Nhà trường cắt cử giáo viên đứng bếp nấu ăn ngày ba bữa, khẩu phần bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng và được thay đổi thường xuyên; giáo viên trực bán trú cũng quản lý chặt chẽ, đôn đốc các em học bài, sinh hoạt theo giờ giấc quy định. Tan học, các em chỉ việc về phòng cất sách vở rồi đến nhà bếp là có cơm sẵn để ăn; chiều cả thầy trò đều ra chăm sóc vườn rau xanh để cải thiện bữa ăn; ăn tối xong các em xem ti vi đến tám giờ thì lên lớp ôn bài. Ngoài ra, trường cũng có nhân viên y tế để khám, cấp thuốc kịp thời chăm sóc sức khỏe cho các em. Tuy nhiên, để đủ sinh hoạt ăn uống cho các em trong vòng một tháng, nhà trường cũng huy động sự chung sức của phụ huynh như góp thêm gạo cho mỗi em khoảng 10kg gạo/tháng. Nói là góp, nhưng em nào hoàn cảnh khó khăn không có thì các giáo viên lại bù vào cho đủ, không để các em phải nhịn đói.

Tại trường PTDT bán trú THCS xã Ta Gia được Ban giám hiệu trường cho biết, nhà bán trú không đủ cho 212 em ở nên nhà trường phải nhờ sự hỗ trợ của ngành cấp tấm lợp; phụ huynh nộp gỗ, tre nứa và ngày công để cùng giáo viên dựng nhà. Các em không có ti vi xem, các giáo viên thương học trò nên họp và nhất trí góp tiền để mua một chiếc ti vi ba mươi hai inch, trị giá 4 triệu đồng. Ngoài ra, các ngày lễ, tết thầy cô giáo cũng tổ chức sinh hoạt văn nghệ, chơi các môn trò chơi dân gian, nấu ăn liên hoan tập thể toàn trường. Qua các hoạt động bán trú, sự chăm sóc của giáo viên dành cho các em học sinh nên tình cảm giữa học trò và thầy cô giáo càng gắn bó mật thiết hơn. Gặp và trò chuyện cùng anh Tòng Văn Án, 38 tuổi, chở gỗ đến nộp và đón con về thăm nhà vào ngày nghỉ. Anh Án cho biết nhà có bốn người con hiện đang theo học, gia đình cũng khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước nuôi các con ăn học thì hai vợ chồng sẽ không biết xoay sở ra sao... Khi tiếp xúc với các bậc phụ huynh có con ở bán trú thì mọi người đều rất phấn khởi, không ngớt lời cảm ơn Bác Hồ, cảm ơn Chính phủ và thầy cô giáo đã chăm sóc con mình chu đáo, tận tình.

Học sinh trường PTDT bán trú THCS xã Phúc Than đang chăm sóc vườn rau xanh.


Hiệu quả rõ nét nhất của mô hình bán trú là ở trường PTDT bán trú THCS xã Phúc Than. Thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiệp cho biết: Từ khi trường thực hiện mô hình bán trú số lượng học sinh tăng lên rất nhiều, từ chỗ chỉ có 383 em năm học 2009 - 2010, tăng lên 512 em năm học 2011 - 2012; học sinh ở bán trú cũng tăng lên 264 em so với năm học trước chỉ có 100 em; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 9% xuống 2,5%; tỷ lệ chuyên cần đạt 97%. Từ khi trường chuyển đổi mô hình bán trú thì đã có học sinh giỏi, học sinh khá tăng lên, đặc biệt trường đã có học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh... Đồng thời, nhà trường đưa ra sáng kiến giáo viên góp tiền mua lợn, gà, ngan, vịt và hạt giống rau, lưới rào để các em học sinh chăm sóc. Hàng ngày có rau xanh cải thiện bữa ăn; gà, vịt, lợn thì đến ngày lễ, tết giáo viên tổ chức nấu cơm liên hoan vui vẻ cùng các thầy cô giáo. Mạnh dạn hơn, năm học này thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp còn sáng kiến mua khuôn đúc gạch sỉ thủ công để các em tranh thủ buổi chiều, ngày nghỉ làm bán lấy tiền cải thiện bữa ăn cho học sinh. Qua việc lao động tập thể, các giáo viên đã rèn luyện cho các em kỹ năng sống, lao động và xây dựng tình đoàn kết gắn bó giúp đỡ lẫn nhau giữa các em học sinh của dân tộc này và các em dân tộc khác, tạo một môi trường giáo dục thân thiện, tích cực và lành mạnh.

Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Than Uyên Trịnh Ngọc Hải cũng cho biết: Để huy động các nguồn lực chăm lo cho giáo dục, năm học vừa qua Phòng GD & ĐT đã tham mưu với UBND huyện phát động phong trào ủng hộ học sinh bán trú, học sinh vùng sâu, vùng xa. Kết quả toàn huyện đã huy động được gần 1,5 tỷ đồng tiền mặt, 15.957 ngày công, 1 chiếc ti vi, 21 khối gỗ, 1.029 bộ quần áo và nhiều vật dụng khác. Trong năm học này, chúng tôi mong các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm hãy tiếp tục ủng hộ chung tay vì các em học sinh thân yêu…

Những khó khăn cần sớm được khắc phục...

Mô hình bán trú mới thực hiện sang năm thứ hai nên còn nhiều khó khăn phức tạp, nhưng thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh cũng đang cố gắng khắc phục những hạn chế đó. Đa số các trường bán trú cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo, nhà ăn cho học sinh không có phải ngồi ăn tại lớp học hay mang về chỗ ở; phòng ở bán trú cũng tạm bợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, thoáng mát đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho các em một cách tốt nhất. Đặc biệt, có một số bậc phụ huynh ý thức kém nên phó mặc con cái mình cho giáo viên, nhà trường chăm sóc; có những trường hợp đặc biệt phụ huynh còn đến trường bắt con bỏ học, đòi tiền hỗ trợ của con mình không cho ở bán trú nữa. Đồng thời, việc chi trả tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các em học sinh còn quá chậm. Hiệu trưởng các trường đều phản ánh, để có tiền nuôi các em bán trú thì Ban giám hiệu phải vận dụng từ các khoản khác mua lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống cho các em hàng ngày, sau đó mới nhận tiền hỗ trợ về bù vào.

Trước những hạn chế trên, các cấp, các ngành, nhất là Phòng Giáo dục Than Uyên cần sớm có biện pháp nhanh để khắc phục, tuyên truyền sâu rộng tới người dân hiểu về mô hình trường bán trú; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường bán trú đảm bảo tốt cho công tác dạy và học của cả thầy lẫn trò. Mặt khác, phát huy ưu điểm của loại hình này thì cần nhân rộng hơn nữa để nâng cao số lượng và chất lượng học sinh; duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần và giảm hơn nữa số học sinh bỏ học; huy động tối đa số trẻ ra lớp, đặc biệt là trẻ 5 - 6 tuổi, trẻ đã hoàn thành chương trình tiểu học.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN