Mô hình còn chuyển giao công nghệ, lan tỏa giá trị phân hữu cơ trùn điều nói riêng và phân hữu cơ vi sinh nói chung trong cộng đồng. Đặc biệt, Bình Phước được xem là thủ phủ điều của cả nước, với diện tích trên 150.000 ha, thuận lợi cung cấp nguyên liệu dồi dào tạo ra phân trùn điều hữu cơ vi sinh.
Mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ
Trước đây, anh Lương Văn Hậu làm cho một công ty bảo hiểm, do nơi làm việc rất xa gia đình nên anh quyết định về làm nông để tiện chăm sóc vợ con. Anh Lương Văn Hậu chia sẻ: "Tôi tìm hiểu một số mô hình trên mạng xã hội thấy nông nghiệp hữu cơ rất có ích nên chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ bắt đầu từ con giun (trùn). Nuôi giun giúp xử lý các rác thải hữu cơ, xử lý phân gia súc, gia cầm… áp dụng cho trồng trọt rất hiệu quả. Tôi đã học hỏi mô hình ở Phú Thọ để về thực hiện ở quê nhà".
Nhận thấy sau mỗi mùa thu hoạch hạt điều, rất nhiều phần quả điều phải bỏ đi không dùng đến, chàng trai Lương Văn Hậu đã nảy ra ý tưởng tận dụng nguồn quả điều thử nghiệm chăn nuôi giun. Anh Lương Văn Hậu cho biết: "Từ năm 2019 đến hết năm 2020, chúng tôi thử nghiệm các quy trình chế biến, phối trộn, tìm các loại chủng vi sinh phù hợp, phân tích tính chất quả điều. Đến đầu năm 2021, quy trình nuôi giun bằng phụ phẩm là quả điều sau thu hạt đã thành công. Sản phẩm phân trùn điều hữu cơ vi sinh được gửi tặng các đơn vị trồng hoa, cây cảnh, các nhà vườn làm phân hữu cơ bón lót...".
Sau 1 năm gửi sản phẩm tặng cũng như bán hỗ trợ các đơn vị để được nhận xét, đánh giá, góp ý, đến đầu năm 2022, phân trùn điều hữu cơ vi sinh đã đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng không chỉ tại Bình Phước mà còn cho nhiều tỉnh, thành phố. Hai năm nay, anh Hậu tận dụng được hơn 100 tấn quả điều/năm, đến nay sản xuất được 30-40 tấn phân trùn điều, cung ứng cho người dân có nhu cầu.
Theo anh Hậu, trong phân trùn điều có một số vi sinh vật đặc trưng có hàm lượng rất cao như vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân và vi sinh vật phân giải xenlulô hiệu lực cao. Phân trùn điều cung cấp các chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như đạm, lân, kali, canxi và các nguyên tố vi lượng khác như đồng, sắt, mangan. Những chất này có thể được cây hấp thụ ngay mà không gây "nóng" cây như một số loại phân chuồng khác.
Nhân rộng mô hình cho nhà nông
Với tính khác biệt và chất lượng sản phẩm đặc thù phân trùn điều, anh Lương Văn Hậu đã thành lập Trại giun Phúc Hậu, hướng đến cung ứng cho các nhà vườn, trang trại triển khai theo hướng nông nghiệp hữu cơ, với chiến lược quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, ứng dụng mạng xã hội kết hợp tiếp thị trực quan đến từng người tiêu dùng, hộ nông dân nhỏ lẻ, gia đình có nhu cầu trồng cây, rau sạch trên khắp cả nước. Song hành với phát triển trại giun, anh Hậu đến tận nhà vườn, trang trại, hỗ trợ tư vấn về đặc tính của loại phân này, quy trình cải tạo đất, cung ứng cho các trang trại không chỉ nguồn phân trùn điều giá trị dinh dưỡng cao mà còn giúp người dân các giải pháp chăm sóc cây trồng, phòng trừ dịch bệnh.
Gia đình ông Phạm Văn Tiến, ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) là một trong những hộ tận dụng hiệu quả sản phẩm của Trại giun Phúc Hậu. Ông Phạm Văn Tiến cho biết: "Nguồn phân hữu cơ vi sinh của anh Hậu thuận tiện vận chuyển, giá cả cũng hợp lý. Đã 3 năm trở lại đây, tôi đều sử dụng sản phẩm do anh Hậu cung cấp, thấy hiệu quả. Cây phát triển đều, bệnh tật giảm hẳn so với trước kia".
Sản phẩm phân trùn điều ra đời góp phần tận dụng nguồn quả thải sau thu hạt điều triệt để, làm xanh, sạch môi trường, tạo dựng hướng đi mới cho chăn nuôi giun bằng các phụ phẩm hữu cơ. Theo ông Huỳnh Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đăng, Trại giun Phúc Hậu là hướng đi đúng cho nông nghiệp hữu cơ. Mô hình này rất thuận lợi do tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như trái điều, phân gia súc, gia cầm. Trại giun của anh Hậu hiện nay đã cho ra nhiều sản phẩm dạng nước, khô, viên nén.
“Mô hình Trại giun Phúc Hậu cần được nhân rộng để nông dân trên địa bàn có nguồn phân hữu cơ vi sinh dồi dào trong phát triển nông nghiệp sạch. Ngoài ra, Trại giun Phúc Hậu không chỉ tạo ra sản phẩm phân hữu cơ vi sinh cung cấp cho nhà nông, mà còn trực tiếp chuyển giao cách làm cho hàng chục hộ dân trên địa bàn để thực hiện mô hình”, ông Huỳnh Văn Thành cho biết.
Trong năm 2023, các hộ gia đình như anh Đỗ Văn Phúc ở huyện Bù Gia Mập, anh Phan Quốc Đạt và Công ty Gia Thiện ở huyện Bù Đăng đã được anh Lương Văn Hậu chuyển giao quy trình nuôi giun từ phụ phẩm hữu cơ là quả điều, mang lại hiệu quả.
Trong thời gian tới, Trai giun Phúc Hậu của anh Lương Văn Hậu định hướng tiến tới thành lập công ty nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới như trà trùn điều, dịch phân giun thủy phân... Trại giun Phúc Hậu hiện có diện tích khoảng 250m2, anh Hậu dự định mở rộng lên khoảng 1.000m2, tận dụng 300 tấn quả điều/năm. Anh Hậu hướng đến năm 2028, phấn đấu xây dựng được nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ thải nông nghiệp, cung ứng ra thị trường mỗi năm hàng nghìn tấn phân trùn điều, sản xuất đa dạng sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp Bình Phước; không ngừng đổi mới, cải tiến sản phẩm.