Màu xanh trên vùng gió, cát, khô hạn

Nhắc đến Bình Thuận, nhiều người vẫn không khỏi “rùng mình” bởi đây được biết đến là vùng khô hạn nhất cả nước, đất đai cằn cỗi. Trụ lại nơi đây phần lớn chỉ có những cành xương rồng già nua, xơ xác. Sau 40 năm giải phóng, giờ đây “bức tranh” đó không còn nữa, thay vào đó là màu xanh ngút ngàn của cây trái, của lúa... Những công trình thủy lợi đã làm “vùng đất chết” ngày nào đang xanh lại, không còn là vùng đất khô hạn chỉ có gió và cát.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận là vùng chiến tranh ác liệt. Sau ngày giải phóng không còn tiếng súng, nhưng người dân lại bắt tay vào cuộc chiến mới - cuộc chiến chống hạn hán. Hàng năm, Bình Thuận chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, lượng mưa ít, trung bình 1.000 đến 1.600 mm/năm (bằng 1/2 lượng mưa trung bình ở Nam Bộ). Phần lớn diện tích đất canh tác là cát pha bạc màu nằm trong vùng thiếu nước nên người dân vẫn không sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo... Nông dân loay hoay dầm mưa dãi nắng cả năm với một vụ lúa bấp bênh và vài ba loại cây trồng có năng suất và sản lượng rất thấp. Thời điểm năm 1985 - 1996, năng suất lúa chỉ đạt 15 tạ/ha. Lúc thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ đạt trung bình 25 tạ/ha.

Vẻ đẹp hoang sơ của hồ nước ngọt Bàu Trắng, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.


Sau 40 năm giải phóng, gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng và lợi thế để xây dựng tỉnh nhà đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh chỉ 140 tỷ đồng (năm 1993) đến nay đã tăng lên 3.800 tỷ đồng (năm 2014).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 1.656 USD (tăng 12,7 lần so với năm 1991). Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế từ 9,5% (năm 1991) tăng lên 20% (năm 2014). Vốn đầu tư phát triển bình quân hàng năm tăng 18,8%. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho tỉnh đầu tư giải quyết các vấn đề xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, bộ mặt của quê hương ngày càng khởi sắc.

Để mở lối ra cho nông nghiệp phát triển, được sự đầu tư của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân sách tỉnh và nhân dân đóng góp, Bình Thuận đã hình thành hệ thống thủy lợi đầu mối quan trọng, đưa nguồn nước về tưới mát những cánh đồng khô hạn. Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã thực hiện hàng triệu ngày công lao động và hàng ngàn tấn vật tư quý hiếm để đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế xã hội của tỉnh.

Sau 40 năm giải phóng, đến nay, 100% số xã của tỉnh Bình Thuận đã có điện lưới quốc gia với trên 98,68% số hộ dân được sử dụng điện, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thực hiện chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao đời sống nhân dân. Trong ảnh: Hệ thống điện gió tại huyện Tuy Phong. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng trên 270 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có những công trình kiên cố với dung tích hơn 2 triệu m3 như: Hồ Sông Quao, hồ Cà Giây, hồ Lòng Sông... Tổng năng lực phục vụ tưới của các công trình được xây dựng là 53.000 ha. Các công tác thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thủy lợi đã được kết nối các vùng sản xuất, đưa diện tích gieo trồng được tưới từ 53.400 ha (năm 2005) lên 112.000 ha (năm 2014). Đồng thời, tỉnh cũng tạo cơ chế, chính sách thông thoáng nên đã kích thích nông dân đầu tư thâm canh, tăng vụ. Các thành phần kinh tế, nhất là các hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai; cơ cấu cây trồng cũng chuyển đổi từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cùng với đó, thời gian qua, bộ mặt đô thị, nông thôn tỉnh Bình Thuận ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ổn định và từng bước có cải thiện, một bộ phận vươn lên làm giàu. Những giá trị văn hóa được phát huy, chất lượng giáo dục được giữ vững, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công luôn được chú trọng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành cả về số lượng, chất lượng và thường xuyên được chăm lo xây dựng theo hướng ngày càng coi trọng thực chất; tổ chức đảng các cấp phát huy ngày càng rõ hơn vai trò lãnh đạo và hạt nhân chính trị ở cơ sở. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền ngày càng được nâng lên, từ đó tạo sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày nay, đi khắp các nơi khô cằn nhất trong tỉnh thì hình ảnh những ruộng lúa cháy vàng, cát trắng bỏng chân, những cánh đồng gieo bụi bay mù mịt không còn nữa, mà đó là màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng rộng lớn quanh năm xanh tốt. Các loại rau màu như mì, mía, ngô... được nông dân xen canh quanh năm không cho đất nghỉ. Có nguồn nước, người dân đã tận dụng các ao đầm để nuôi cá, mang lại nguồn lợi thủy sản nước ngọt to lớn cho tỉnh. Cuộc sống của người dân Bình Thuận đã thay đổi từng ngày. Làng quê sáng lên, đông đúc với những ngôi nhà mới to đẹp... Giờ nhắc lại những hình ảnh nghèo đói, khó khăn triền miên hết đời này sang đời khác, nhiều người cứ ngỡ như một giấc mơ.

Nguyễn Thanh
“Đổi mới là con đường xây dựng Việt Nam to đẹp hơn”
“Đổi mới là con đường xây dựng Việt Nam to đẹp hơn”

Trong quá trình tìm kiếm một số nhân chứng lịch sử của Cuba từng chứng kiến cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã được gặp ông Julio García Oliveras, người từng đảm nhiệm cương vị Trưởng đoàn chuyên gia quân sự kiêm Đại sứ Cuba tại Việt Nam 1966 - 1969.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN