Nơi con chữ quý hơn vàng
Tại làng Mão Điền, người dân rất coi trọng con chữ với quan niệm “cho con đống vàng không bằng cho gang chữ”.
Học sinh ở địa phương rất ham học và nhiều em học giỏi. Vào những năm tháng mà việc thi đậu đại học còn rất khó khăn, ở nhiều nơi, nhà nào có con đậu đại học thì nổi tiếng cả xã thì tại Mão Điền, chuyện con em sau tốt nghiệp cấp III là trở thành sinh viên được coi gần như… mặc định. Người dân chỉ xôn xao khi cháu này đỗ thủ khoa trường A, cháu kia là á khoa trường B.
Có những con em ở xã Mão Điền đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế như em Nguyễn Thị Ngọc Minh giành Huy chương Vàng tại Olympic Hóa học Quốc tế năm 2007, em Nguyễn Quang Bin đạt huy chương Vàng tại Olympic Toán quốc tế năm 2018, em Nguyễn Đăng Phúc giật Huy chương Bạc tại Olympic Vật lý quốc tế năm 2022 ...
Để đưa địa phương đất chật người đông thoát nghèo và làm giàu bền vững, ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, lãnh đạo địa phương và các thầy, cô giáo “trường làng”, trong đó có thầy giáo già Nguyễn Xuân Viên, đã đề ra chủ trương “đưa xã nghèo phát triển thông qua con đường tri thức”. Cuộc “cách mạng trong học tập” bắt đầu từ đấy.
Các mô hình khuyến học đã được xây dựng và không ngừng phát triển. Người người làm khuyến học, nhà nhà làm khuyến học, dòng họ làm khuyến học… Đến nay, 100% đoàn thể, nhà trường, thôn xóm, các dòng họ đều có chi hội khuyến học.
Các dòng họ đều xây dựng tộc ước, trong đó những quy ước về xây dựng gia đình khuyến học, gia đình văn hóa, mà trong đó con cháu ngoan, học giỏi luôn là những tiêu chí hàng đầu. Số hội viên hội khuyến học chiếm tỷ lệ cao so với dân số (khoảng 35% trong khi tỷ lệ trên toàn tỉnh là 12,5%). Số gia đình đạt danh hiệu Gia đình hiếu học đạt đến hơn 75%.
Tấm gương của “cụ già ve chai”
Cụ Nguyễn Xuân Cửu giờ đã khuất núi nhưng câu chuyện “cụ già ve chai” để lại “di sản quý hơn vàng” cho con, cháu vẫn được người dân xã Mão Điền truyền tụng mãi, như một tấm gương hiếu học.
Cụ Cửu đi bộ đội chống Pháp, bị thương, bị địch bắt đày ra đảo Phú Quốc. Trở về quê nghèo với hai bàn tay trắng và sức khỏe thất thường theo thời tiết, cụ mưu sinh và nuôi sống gia đình bằng công việc thu gom phế liệu - cái nghề vốn không được xã hội coi trọng. Những khi nhặt hộp nhựa, lượm sắt vụn, cụ Cửu nung nấu trong đầu suy nghĩ phải đầu tư cho con thoát cái đói, cái nghèo bằng con chữ. Khổ mấy cụ cũng chịu được, nhưng con cụ nhất định phải được học hành đầy đủ. Cụ không có tài sản để cho con, cho cháu thì cụ truyền cho ý chí, quyết tâm và nhận thức coi trọng trí thức. Điều này còn quý hơn vàng.
Vào thời điểm con chữ chưa “có giá” như bây giờ, thanh niên trai tráng trong vùng còn mải lo “đầu tư cho cái bụng đỡ đói” thì 7 người con, cả trai cả gái, trong gia đình “cụ già ve chai” đều được khuyến khích ưu tiên khai mở trí tuệ. Hiểu tâm tư của người cha, các con của cụ Cửu đều tự giác “sáng đến trường, chiều ra đồng, tối thắp đèn tự học”. Các con của cụ Cửu đều lần lượt vào đại học mà không cần đến một buổi học thêm, luyện thi nào.
Đến thế hệ thứ ba, các cháu nội, ngoại của “cụ già ve chai” vẫn tiếp nối truyền thống gia đình – chăm học và học giỏi. Và nhờ có kiến thức và ý chí vươn lên mà các con, các cháu của cụ Nguyễn Xuân Cửu đều thành đạt, điều kiện kinh tế ổn định và có chỗ đứng trong xã hội.