Bà đã chữa trị, phục hồi chức năng cho gần 5.500 trẻ bị bại não, ảnh hưởng chất độc da cam và gần 1.000 người lớn bị khuyết tật vận động.
Bên trong căn nhà chật hẹp này luôn văng vẳng tiếng khóc của trẻ con nhưng lúc nào cũng tràn đầy hy vọng của những người cha, người mẹ chưa bao giờ bỏ cuộc. Họ luôn cùng con chiến đấu với bệnh tật quái ác. Sự tiến bộ qua từng ngày của những đứa trẻ chẳng may bị khiếm khuyết đã mang niềm vui đến cho cả căn nhà chung này. Chính từ nghĩa cử cao đẹp của bà Nguyễn Ngọc Điểu mà khi đến đây nhiều đứa trẻ và phụ huynh đều gọi bà bằng tiếng gọi thân thương “bà ngoại Út”.
Xoa dịu nỗi đau cho trẻ
Bà Nguyễn Ngọc Điểu kể, trước đây, bà từng có thời gian dài phục vụ trong ngành Y. Bà rất trăn trở trước hình ảnh những đứa trẻ bị bệnh bại não, dị tật bẩm sinh do ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Năm 2004, khi về nghỉ hưu, bà tự thành lập một cơ sở để trị liệu miễn phí cho những đứa trẻ này.
Giờ đây, dù đã ở cái tuổi gần 80, thay vì chọn nghỉ ngơi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu cách luyện tập, phục hồi chức năng cho trẻ. Tấm lòng của bà đã trở thành động lực để nhiều phụ huynh cùng đồng hành trong suốt những năm tháng tập luyện tìm lại nụ cười, giọng nói và khả năng vận động cho con.
Trên chiếc nệm mỏng đã được trải sẵn, bé Phan Thanh Phong (10 tuổi, tỉnh Đồng Tháp) đang tập các động tác vận động chân. Chị Võ Thị Lẹ, mẹ bé Phong nắm chặt hai đầu gối con cùng luyện tập theo liệu trình bà ngoại Út hướng dẫn. Hơn 9 năm nay, hai mẹ con chị vẫn kiên trì vượt hàng chục km từ tỉnh Đồng Tháp sang đây để điều trị. Từng ấy năm vất vả, giờ đây, đứa trẻ từng “bỏ đâu nằm đó” đã dần dần đứng được và tập tễnh những bước đi đầu tiên.
Chị Võ Thị Lẹ chia sẻ: Những ngày đầu tập luyện, nhìn con đau, khóc thét chị không thể cầm lòng. Nghe mọi người khuyên, ngoại Út động viên nên chị cố gắng theo đuổi. Rồi từng ngày con quen dần với những bài tập, bớt đau đớn và quan trọng là con tiến bộ nên chị càng có thêm hy vọng. Điều vui mừng nhất là hiện nay con chị đi được vài bước và đã được đến trường.
Bà Ngô Thị Minh ở thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngày nào bà cũng đưa cháu sang cơ sở của ngoại Út tập luyện. Trước kia, cháu không biết nói, vận động khó khăn. Mấy năm nay, nhờ kiên trì đến đây để luyện tập, tay chân cháu đã cứng cáp, mặt mũi lanh lợi hơn, biết gọi ba, bà nữa.
Theo bà Nguyễn Ngọc Điểu, để trị liệu cho các em thành công đòi hỏi sự kiên trì từ cha mẹ cũng như bản thân đứa trẻ. Cơ thể các cháu còn quá bé nhỏ nên mỗi lần luyện tập là phải chịu nhiều đau đớn, gồng lên khóc thét. Những lúc như thế cả bà và phụ huynh đều xót nhưng cũng phải quyết liệt. “Mình chữa trị thì phải vững tâm, thương các cháu nên phải làm cho đến cùng, ngày này qua ngày khác mới có tiến bộ. Đằng sau những cơn đau của các cháu là những giọt nước mắt của cha mẹ nhưng sau đó đổi lại là niềm vui, niềm hy vọng khi các cháu tiến bộ từng ngày”, bà Nguyễn Ngọc Điểu chia sẻ.
Từng ấy năm trôi qua, ngày ngày bà Nguyễn Ngọc Điểu vẫn miệt mài làm công việc khó khăn cực nhọc, đòi hỏi sự kiên trì này mà không thu bất kì khoản tiền nào. Đối với bà, sự phục hồi, tiến bộ từng ngày của những đứa trẻ là khoản thù lao lớn nhất.
Lan tỏa tấm lòng vì trẻ bại não
Trong mái nhà chung của bà ngoại Út đã có hàng ngàn đứa trẻ được giúp hồi phục chức năng. Từ chỗ không thể cử động, không nói được, quá trình luyện tập, dần dần các bé đã có thể lật, lẫy, ngồi rồi đứng. Những tiếng bi bô mẹ, ba, bà, ngoại chính là động lực để bà tiếp tục hành trình tìm lại khả năng nhận thức, vận động cho các bé.
Đồng hành cùng với bà trong hành trình ấy không ai xa lạ chính là người cha, người mẹ của các con. Có người ở các tỉnh xa phải bỏ công việc, thuê nhà trọ đến cùng con luyện tập suốt nhiều năm liền. Cũng có người vì mến cái tình của bà mà tự nguyện đem sức mình mỗi ngày phụ giúp, chia sẻ trong việc tập luyện cho các cháu, coi đây là một cách đền đáp lại ân tình mà bà ngoại Út đã từng tận tâm giúp đỡ con mình.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một trong những người đã gắn bó với Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu từ nhiều năm qua. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đứa con nhỏ lại bị bệnh bại não khiến chị càng thêm vất vả. Chị đưa con đi nhiều nơi chữa trị nhưng bệnh tình của cháu vẫn không tiến triển. Từ ngày được bà ngoại Út giúp đỡ, con chị đã có nhiều tiến bộ. Từ đó chị tự nguyện gắn bó với nơi này, học hỏi để phụ giúp trị liệu cho các em. Chị Nhung chia sẻ: Trước kia, con chị không ngồi, không đứng được. Từ khi về đây tập luyện, con chị dần ngồi được, nói được. Thấy ngoại lo cho mấy đứa nhỏ nhiệt tình, chị cũng cố gắng giúp đỡ, giúp con mình, con của những người cùng chung cảnh ngộ.
Hơn 10 năm gắn bó với cơ sở này, anh Nguyễn Minh Tiến ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là người chứng kiến bà Nguyễn Ngọc Điểu đem công sức, tiền bạc của cá nhân để chăm lo cả về sức khỏe lẫn đời sống cho những đứa trẻ bất hạnh. Bản thân anh cũng có con gái bị bệnh bại não. Được người quen giới thiệu, anh tìm đến cơ sở của bà ngoại Út để điều trị cho con. Không chỉ điều trị cho con anh Tiến mà bà còn cho vốn để anh nuôi bò. Mười năm nay, dù cuộc sống chưa phải khá giả nhưng với sự phục hồi vận động và nhận thức của con gái, vợ chồng anh đã có được niềm vui, hy vọng lớn.
Anh Tiến tâm sự: "Thương ngoại Út lắm. Điều trị miễn phí cho trẻ, rồi đi vận động dụng cụ tập luyện cho các cháu nữa. Gặp gia đình nào khó khăn, ngoại vận động gạo, tiền, giúp luôn tiền nhà trọ. Ngày trước, con tôi bất hạnh được ngoại cưu mang, giờ tôi nguyện đóng góp để cùng ngoại giúp những cuộc đời kém may mắn như con mình".
Cái tâm của bà Nguyễn Ngọc Điểu đã tạo được sợi dây liên kết cho những người đến đây để trị liệu cho con, sẵn sàng đồng hành và tiếp nối công việc mà bà đang thực hiện.
Bà Nguyễn Ngọc Điểu chia sẻ: Ngày nào còn khỏe, còn lo được cho các cháu thì bà còn làm. Bà cũng mong muốn đào tạo lớp kế cận nhằm mang niềm tin và hy vọng đến cho những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống.
Với cái tâm của người thầy thuốc, bà Nguyễn Ngọc Điểu đã chọn một cuộc sống dành hết cho người khác. Bà từng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội người khuyết tật Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… vì những hoạt động nhân đạo từ thiện và chăm sóc trẻ bị bại não, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đặc biệt, năm 2019, bà Nguyễn Ngọc Điểu nhận được Giải thưởng KOVA hạng mục sống đẹp, là tấm gương tiêu biểu trong việc sáng lập cơ sở phục hồi chức năng và hỗ trợ điều trị miễn phí cho trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn trong nhiều năm qua.