Thưa ông, lý do nào mà đơn vị đưa ra văn bản đề nghị dừng hoạt động đối với loại hình kinh doanh cà phê, nước giải khát ngay sát tuyến đường tàu đi qua trung tâm TP Hà Nội?
Theo quy định của pháp luật, phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được quy định chiều rộng giới hạn hai bên đường sắt tính từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15m đối với đường sắt trong khu gian; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2m đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào.
Từ năm 2018, phía Bắc ga Hà Nội xuất hiện tình trạng khách nước ngoài tham quan, quay phim, chụp ảnh trên đường sắt. Đáng chú ý, trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt này, các hàng quán bày bàn ghế bán nước giải khát cho người dân khách du lịch. Khu vực này nằm dọc từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.
Video VNR lý giải nguyên nhân đưa ra đề nghị dừng hoạt động cà phê đường tàu:
Khi xuất hiện tình trạng này, VNR đã chỉ đạo Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải phối hợp với TP Hà Nội và các đơn vị liên quan của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) quyết liệt cưỡng chế giải tỏa các vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính…
Với sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành chức năng, có thời điểm, tình trạng vi phạm đã lắng xuống. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 được khống chế, tình trạng lại tái diễn. Và chúng tôi lại tiếp tục đề nghị TP Hà Nội cùng các quận liên quan sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, đơn vị khai thác đường sắt Hà Nội đề nghị UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và UBND các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ phối hợp xử lý tình trạng bán hàng cà phê, giải khát và các mặt hàng khác trên đường sắt. Các đơn vị liên quan của ngành đường sắt sẵn sàng phối hợp với UBND các cấp khi có yêu cầu.
Chúng tôi xác định rõ loại hình kinh doanh này vi phạm nghiêm trọng đến hành lang an toàn đường sắt, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân, khách du lịch.
Để tránh tái diễn loại hình kinh doanh vi phạm hành lang an toàn đường sắt, ông có thể đưa ra các khuyến cáo gì, thưa ông?
Đối với người dân và khách du lịch, chúng tôi vẫn khuyến cáo và đề nghị chấp hành đúng các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông sắt. Bởi nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, đường sắt không giống như các loại hình đường giao thông khác, đây là tuyến đường độc đạo.
Đối với các chủ hộ kinh doanh ở đây, VNR xác định họ cũng phải liên đới và chịu trách nhiệm nếu có ảnh hưởng đến tính mạng con người trong việc tổ chức các loại hình dịch vụ kinh doanh ở đó.
Bên cạnh đấy, tôi cũng nhấn mạnh: Nếu muốn giữ loại hình kinh doanh này, cần phải có sự xin phép và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, ví dụ như Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt, UBND TP Hà Nội… và chúng ta phải tổ chức một cách có bài bản thì mới có thể hạn chế thấp nhất rủi ro.
Tuy nhiên chúng ta vẫn phải xác định, việc giữ loại hình kinh doanh này vẫn vi phạm trật tự an toàn đường sắt.