Ngoài các yếu tố tự nhiên (dòng chảy, tầng đất ven sông yếu, chủ yếu là đất pha cát, mưa lũ phức tạp…), hai yếu tố ngành chức năng, đơn vị liên quan xác nhận có tác động lớn tới sự gia tăng sạt lở bờ sông là sự vận hành của các nhà máy thủy điện và hoạt động khai thác cát sông. Tuy nhiên, gần một năm nay, cách thức hỗ trợ, đền bù những thiệt hại do sạt lở gây ra vẫn chưa được các bên thống nhất.
Theo UBND huyện Krông Nô, từ năm 2010 đến nay, UBND huyện phê duyệt 6 phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân có đất bị sạt lở, ngập úng trên địa bàn các xã Nâm N’Đir, Đắk Nang, Đức Xuyên với tổng diện tích hơn 130 ha. Tuy nhiên, hiện nay, đối chiếu quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn liên quan, việc tiếp tục bồi thường, hỗ trợ để thu hồi đất do ngập úng, sạt lở đất vùng hạ lưu Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah chưa được quy định cụ thể.
UBND huyện đã có công văn xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông. Tháng 1/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông có văn bản hướng dẫn.
Theo đó, “Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định trường hợp thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ do ngập úng, sạt lở đất sông, suối ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân do hoạt động của nhà máy thủy điện gây ra”; “trường hợp trong quá trình vận hành phát điện của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân (ngập lụt, sạt lở đất) thì Công ty thủy điện Buôn Kuốp (chủ đầu tư) phải có trách nhiệm tự thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại”.
Sau đó, UBND huyện Krông Nô đã có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh Đắk Nông về hai phương án bồi thường, hỗ trợ. Cụ thể là yêu cầu Công ty Thủy điện Buôn Kuốp tự thỏa thuận bồi thường cho người dân đối với các khu vực được xác định sạt lở do vận hành thủy điện; nếu tiếp tục giao cho huyện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô khẳng định, việc kiểm đếm, lên phương án bồi thường đối với đất đai, cây trồng của người dân ven sông Krông Nô bị sạt lở thời gian qua rất khó khăn. Huyện chủ yếu đóng vai trò trung gian, là “trọng tài” giữa các bên. Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô không chỉ đe dọa đất đai, cây trồng của người dân, nhiều công trình hạ tầng như đường giao thông, trạm bơm, kênh mương thủy lợi, đường điện… cũng bị “nuốt chửng”.
Theo ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, việc thực hiện 6 đợt bồi thường trước đây là theo phương án của thủy điện. Đây là diện tích bị ngập được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cùng với phương án đầu tư xây dựng công trình. Hiện nay, tình trạng sạt lở chủ yếu do tác động tổng hợp của các yếu tố thời tiết, địa chất, quá trình vận hành thủy điện và khai thác cát lòng sông… Do đó, các vấn đề liên quan tới thu hồi đất, như: phương án thu hồi, lý do thu hồi, vấn đề bàn giao đất sau thu hồi… đều không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Trong khi đó, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô ngày càng nghiêm trọng, người dân khiếu nại rất nhiều. Việc nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh bị ảnh hưởng là vấn đề lớn và để giải quyết cần sự vào cuộc của nhiều ngành.
Ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho rằng, sạt lở bờ sông Krông Nô ngày càng “nóng”. Trong mấy năm gần đây, mỗi năm diện tích đất bị sạt lở đều tăng so với năm trước đó. Công ty đề nghị, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông tổ chức khảo sát, đánh giá, phân định trách nhiệm rõ ràng trước khi triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân. Công ty không thể trực tiếp thỏa thuận, đền bù với các hộ dân có đất đai, cây trồng bị sạt lở, ngập úng mà chỉ có thể thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã được cấp có thẩm quyền, tức UBND huyện Krông Nô phê duyệt.
Về cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất ven sông Krông Nô, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho rằng, đất bờ sông Krông Nô bị sạt lở thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước ở các địa phương, được Nhà nước thu hồi theo yêu cầu thực tế bảo vệ công trình bờ sông. Các hộ dân có đất bị thu hồi sẽ được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, sông Krông Nô chảy qua địa giới hành chính 6 xã của huyện Krông Nô với tổng chiều dài hơn 50 km. Liên quan tới tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Krông Nô kiểm tra, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh xử lý trước ngày 10/11/2023.
Trước đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã thông tin, nhiều vị trí tiếp giáp sông Krông Nô trên cánh đồng xã Nâm N’Đir (có diện tích hơn 1.000 ha) đang sạt lở nghiêm trọng đe dọa các công trình giao thông nội đồng, hạ tầng thủy lợi, đường điện… Các công trình này đều được xây dựng cách đây khoảng 10 năm (vào thời điểm đó, vị trí xây dựng cách bờ sông Krông Nô từ 15 - 20 m).
Tương tự, tại xã Đức Xuyên (huyện Krông Nô), sạt lở bờ sông diễn ra phức tạp và được ngành chức năng đánh giá là nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng năm 2022, hơn 13 ha đất ven sông tại ba xã Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Đắk Nang bị đưa vào diện tích khoanh vùng sạt lở. Việc đền bù, hỗ trợ đến nay vẫn chưa giải quyết xong đã phát sinh hàng loạt điểm sạt lở mới...