Nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch việc thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành; tăng cường tuyên truyền để các cấp, ngành, các tổ chức doanh nghiệp, người dân nắm được tầm quan trọng và đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện việc phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, cũng như xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của tỉnh nhằm thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác này.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ hệ thống quan trắc, giám sát, nghiên cứu và cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở trên địa bàn. Đồng thời kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở.
Thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ tiến hành di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở (bao gồm bờ sông, suối, kênh, rạch và bờ biển) đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa bố trí gần 550 tỷ đồng từ ngân sách cùng các nguồn huy động hợp pháp khác để tổ chức di chuyển 2.846 hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn, ổn định. Đồng thời quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh có hơn 6.000 hộ dân và hơn 27.000 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất thuộc 107 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã trong tỉnh. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 40.000 hộ với gần 170.000 nhân khẩu sống tại khu vực ven biển, cửa sông. Hơn 32.000 hộ với hơn 120.000 nhân khẩu sống tại khu vực ven sông cần phải sơ tán khi có bão.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên các tuyến đê sông, đê biển, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Tính riêng trong 2 năm 2022 - 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại bờ sông Bưởi (thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành); sạt lở đê tả sông Càn (xã Nga Điền, huyện Nga Sơn); sự cố sụt lún mái đê tả sông Mã (xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa); sạt lở, xâm thực cửa Lạch Hới (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa)...
Trước những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc tỉnh Thanh Hóa chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai.