Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, đê bao, kè biển ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 48 điểm, khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm; trong đó, có 44 khu vực sạt lở bờ sông, dài khoảng 198,9km, 4 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài khoảng 16km, cần được sớm khắc phục, bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, với tổng kinh phí khoảng 5.844 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng sạt lở là do triều cường dâng cao kết hợp gió lớn, thay đổi lưu tốc dòng chảy và mưa lớn làm vỡ kết cấu đất bờ và lòng sông gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, tác động do con người gây ra như đào ao nuôi trồng thủy sản sát bờ sông, bờ biển; xây dựng nhà ở ven bờ sông, khu vực bờ biển và việc khai thác cát trái phép… góp phần làm trình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Khánh Hòa có 2 khu vực sạt lở bờ biển tại xã Hiệp Thạnh và Trường Long Hòa, thuộc thị xã Duyên Hải được UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp. Cả 2 khu vực sạt lở này đều do tác động của triều cường, nước biển dâng cao, kết hợp với gió mạnh, sóng lớn làm cho tuyến đê biển và rừng phòng hộ tại khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra, do địa hình là đất giồng cát ven biển, hệ thống rừng phòng hộ ven biển tại khu vực này còn ít, nên sạt lở diễn ra nhanh.
Ông Nguyễn Văn Lánh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, để bảo vệ bờ biển và tài sản, đất đai, giúp người dân của người dân đảm bảo có cuộc sống ổn định quanh khu vực bờ biển trên địa bàn 2 xã Hiệp Thạnh và Trường Long Hòa, UBND thị xã Duyên Hải đã đề nghị tỉnh sớm đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai. Cụ thể, đầu tư xây dựng công trình đoạn kè chiều dài 900m tại ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, ước kinh phí 105 tỷ đồng và công trình xây dựng kè dài 8km tại xã Trường Long Hòa, ước kinh phí 740 tỷ đồng.