Lực lượng dân quân tự vệ góp phần giảm nhẹ, tái thiết xã hội sau thiên tai

Trong công tác phòng, chống, thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, lực lượng dân quân tự vệ luôn là lực lượng nòng cốt ứng trực, đi đầu, tại chỗ cứu dân, công việc của họ đã được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đánh giá cao. Nhiều việc làm thiết thực của họ đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại, tái thiết xã hội sau thiên tai.

Chú thích ảnh
Lực lượng Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ, Công an ở các khu vực bị ảnh hưởng bão tại thành phố Đà Nẵng đã tập trung tới hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền phòng chống bão. Ảnh tư liệu: Văn Dũng/TTXVN

Lực lượng tại chỗ cứu dân

Trong các đợt mưa lũ, dân quân tự vệ tại các địa bàn thuộc khu vực miền Trung đã khẳng định được vai trò là lực lượng tại chỗ, kịp thời ứng phó, giúp nhân dân vượt qua hoạn nạn, hiểm nguy.

Với tư cách là Chỉ huy trưởng, kiêm đội trưởng đội xung kích phòng, chống thiên tai xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, anh Nguyễn Thanh Dương cho biết, nhiều năm trở lại đây, miền Trung đã hứng chịu nhiều thiệt hại bởi mưa lũ lớn, trong đó có ảnh hưởng tới thành phố Đà Nẵng. Qua nắm bắt thông tin khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Đà Nẵng… lực lượng dân quân tự vệ đã thông tin kịp thời về tình hình mưa bão đến người dân thông qua hệ thống loa của xã và đến trực tiếp các hộ gia đình nằm trong khu vực nguy hiểm, vận động họ di chuyển tới nơi an toàn. Từ những việc làm đó, người dân đã nắm bắt được thông tin về mưa, bão, chủ động các biện pháp phòng, tránh và giảm thiểu được thiệt hại.

Trong mùa lũ bão xảy ra vào tháng 10-11/2020, lực lượng dân quân tự vệ của xã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn các tuyến đường thấp trũng, dễ ngập, hướng dẫn học sinh, người dân đi lại an toàn. Đồng thời, lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng xung kích đã giúp dân chằng chống lại nhà cửa, sơ tán, vận chuyển lương thực, tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Chỉ tính trong đợt mưa lũ tháng 10/2020, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 7.540 lượt dân quân tự vệ với 13.875 ngày công giúp nhân dân ứng phó với thiên tai.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong lực lượng dân quân tự vệ cũng phát huy hiệu quả. Lực lượng dân quân các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động, linh hoạt phối hợp với các lực lượng khác xử lý các tình huống khẩn trương, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra. Cụ thể, từ ngày 18 - 20/10/2020 nước lũ về bất ngờ và chưa từng có trong lịch sử khiến 10/12 thôn của xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị ngập từ 0,5m đến 2m. Nhiều người dân không kịp trở tay, bị mắc kẹt trong nước lũ, phải trèo lên mái nhà kêu cứu. Ban Chỉ huy quân sự xã Cẩm Duệ đã huy động 31 đồng chí dân quân, 12 đồng chí trưởng thôn cùng 16 chiếc thuyền để ứng cứu người dân. Ban Chỉ huy Quân sự xã còn huy động cả các thuyền đánh cá của các dân quân và ngư dân làng chài để sơ tán người dân gặp nguy hiểm đến nơi an toàn và cứu được gần 300 người dân bị mắc kẹt trong nước lũ.

Vụ sạt lở đất tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế gây chết nhiều người và làm cô lập nhiều vị trí thuộc khu vực thi công của các nhà máy thủy điện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền đã kịp thời huy động lực lượng dân quân xã tham gia tìm kiếm cứu nạn. Tại đây, khi đường 71 đang bị tắc do sạt lở núi, đường sông quá nguy hiểm, máy bay chưa thể hoạt động do thời tiết xấu, thì địa phương đã sử dụng ngay các nhóm dân quân tự vệ cùng công nhân thủy điện cắt rừng hơn 20km vận chuyển hàng hóa, thuốc men để kịp thời cứu trợ những người trong vùng bị nạn.

Dịp này, xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) bị cô lập do sạt lở, tắc đường, nhiều cán bộ và người dân bị vùi lấp, mất tích; một số thi thể được tìm thấy nhưng không đưa ra ngoài được. Lực lượng dân quân tự vệ xã Hướng Việt đã được huy động cùng với bộ đội, công an tìm đường, luồn rừng tiếp cận vị trí sạt lở, sau đó dùng cáng khiêng đưa người tử nạn ra để làm công tác chính sách.

Gần đây nhất, siêu bão Rai (bão số 9) được đánh giá là cơn bão rất mạnh ảnh hưởng tới khu vực Nam Bộ. Ngay sau khi cơ bão vào biển Đông, lực lượng dân quân tự vệ của khu vực trên đã được huy động giúp dân phòng tránh bão số 9.

Ngư dân Trần Minh Tiến, chủ tàu cá đang neo đậu tại âu thuyền An Hòa (thôn Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Sau khi nhận được thông tin từ cơ quan chức năng về bão số 9, để bảo đảm an toàn, chúng tôi quyết định cất lưới, quay đầu hướng về bờ. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các chiến sĩ, bộ đội, lực lượng dân quân tự vệ, tàu đã được gia cố, chằng chống rất an toàn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đánh giá, tại tỉnh Quảng Nam, lực lượng dân quân tự vệ là lực lượng luôn ứng trực, phản ứng nhanh và tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là bão số 9/2021 vừa qua.

Nâng cao hiệu quả phối hợp

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục phòng, chống thiên tai) Nguyễn Đức Quang cho rằng, nhận thực được tầm quan trọng của các lực lượng nói chung và lực lượng dân quân tự vệ nói riêng đã phối hợp với Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Cục xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công An), Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và ký kết Quy chế, chương trình hoạt động năm 2021. Trong đó tập trung vào các nội dung: Xây dựng chương trình hoạt động phối hợp hàng năm; trao đổi thông tin thường xuyên; công tác kiểm tra, tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, diễn tập các hoạt động về dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng và an ninh; bảo vệ rừng, phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai; chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động liên quan. Sự phối hợp giữa các cơ quan là cần thiết, nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối với các lực lượng, trong đó có lực lượng dân quân tự vệ đối với công tác phòng, chống thiên tai.

Theo Đại tá Vũ Văn Báo, Cục dân quân tự vệ, để tập trung nâng cao vai trò làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện và Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho dân quân tự vệ hiểu rõ và nắm chắc các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Các tỉnh, thành phố cần xây dựng, rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, phương án và sử dụng lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng địa phương, cơ sở. Các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý về lực lượng, duy trì chế độ trực của lực lượng dân quân tự vệ để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là lực lượng xung kích, lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai nhất là thời điểm xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, kết hợp với việc giữ gìn an ninh trật tự, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống.

Lực lượng dân quân tự vệ các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn; sử dụng và khai thác tốt các phương tiện thông tin liên lạc hiện có; phải làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, lấy “Phòng ngừa là chính”, khi có tình huống xảy ra thì xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Ban Chỉ huy Quân sự các cấp phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các lực lượng liên quan để tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai… cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ về công tác tổ chức, chỉ huy, điều hành lực lượng; xử lý các tình huống do thiên tai, dịch bệnh gây ra sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế của từng địa phương, cơ sở. Hàng năm, các cấp, ngành, địa phương tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ kết hợp với diễn tập xử trí các tình huống về thiên tai, cứu hộ, cứu nạn có sử dụng lực lượng dân quân tự vệ tham gia; chỉ đạo dân quân tự vệ tích cực tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo làm tốt công tác đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ được huy dộng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hướng tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Thắng Trung (TTXVN)
Dân quân tự vệ biển - Chỗ dựa vững chắc của ngư dân
Dân quân tự vệ biển - Chỗ dựa vững chắc của ngư dân

Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Sau hơn một năm đưa Luật Dân quân tự vệ vào cuộc sống, tại tỉnh Thanh Hóa, lực lượng dân quân tự vệ biển đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho ngư dân khi tham gia đánh bắt xa bờ, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trên bờ, họ là những tuyên truyền viên vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, gắn lao động sản xuất, phát triển kinh tế với giữ vững an ninh trật tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN