Lớp học theo ruộng nương

Ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có những lớp học theo nương. Đó là lớp học mà các thầy giáo, cô giáo phải đi theo các hộ dân lên tận lán nương để mang con chữ đến với các em học sinh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có hơn 10 điểm trường mà các thầy giáo, cô giáo phải lên lán nương dạy chữ.

Vượt sông Đà gieo chữ

Để đến được với các lớp học theo nương tại điểm trường Huổi Mắn, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, chỉ có cách duy nhất là vượt qua con sông Đà hung dữ bằng đò. Hôm nào thời tiết thuận lợi, đi xe máy mất khoảng gần một tiếng đồng hồ, còn vào mùa mưa phải để xe lại bờ sông, sau đó đi bộ khoảng hai tiếng đồng hồ mới tới nơi. Thầy, cô giáo bao nhiêu năm rồi đã và đang vượt sông Đà vì con chữ của học sinh thân yêu.

Lớp học ở điểm bản Huổi Mắn C dù còn tạm bợ, tranh tre, vách nứa nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ của thầy cô, các em vẫn được học chữ theo chương trình chung của cả nước.


Khu vực này có ba cụm dân cư là Huổi Mắn A, Huổi Mắn B. Ở cả ba cụm dân cư này đều có trường lớp, thậm chí số phòng học đã được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, do phần lớn số hộ dân ở lán nương theo mùa không cố định, đưa cả con đi nương và quãng đường từ nương về đến bản phải mất nhiều giờ đi bộ, học sinh không thể về học. Trước thực trạng đó, các thầy giáo, cô giáo nơi đây đã quyết định bám theo dân để dựng lớp tại nương, đảm bảo việc học của học sinh.

Trước đây các hộ dân này sinh sống ở khu vực Huổi Mắn A và Huổi Mắn B, nhưng khi thấy khu vực giáp sông Đà có thể canh tác, do đó 81 hộ dân đã di chuyển xuống khu vực mới để sản xuất. Từ khi đến chỗ làm nương mới, việc học của các con em không còn được duy trì đều nữa, các em phải nghỉ học nhiều hơn vì phải đi theo bố mẹ. Trước thực trạng đó, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học, Trường Mầm non xã Nậm Chà đã quyết định mở thêm lớp ở khu vực lán nương của các hộ dân để đảm bảo việc dạy và học được thuận tiện hơn.
Cô giáo Mào Thị Cường, điểm trường tiểu học Huổi Mắn, Nậm Chà, Nậm Nhùn tâm sự: “Mới mở lớp ở đây, địa điểm chưa có, các thầy giáo, cô giáo phải mượn tạm nhà dân làm phòng học. Có lớp rồi, các thầy cô lại đứng trước một khó khăn khác là các em vẫn chưa chịu đến lớp học. Để có học sinh, sáng sớm tinh mơ ngày nào các thầy giáo, cô giáo phải chia nhau đi các hộ dân, động viên học sinh đến lớp. Tuy vất vả, nhưng các em đến lớp đều, thầy cô giáo vơi đi nỗi nhọc nhằn và cảm thấy vui hơn. Ngoài giờ lên lớp các thầy giáo, cô giáo lại lên nương tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh cho các em về lớp để học biết cái chữ”.

Ông Sùng Hồ Thanh, Trưởng bản của ba điểm bản này cho biết: “Trước đây phân rõ rệt hai điểm bản Huổi Mắn A, Huổi Mắn B, sau này bà con đi nương và tập trung thành bản Huổi Mắn C này. Các cháu cũng bỏ học theo bố mẹ về ở bản Huổi Mắn C, may mắn là thầy cô theo về đây để mở lớp dạy chữ cho các em học sinh, không thì chúng mù chữ hết”.

Ươm những “mầm xanh” trên núi

Từ khi về mở lớp đến nay, tại khu vực này đã có 3 lớp tiểu học và 2 lớp học mầm non với tổng số 57 học sinh. Trước đây khi chưa mở lớp, số học sinh này hầu như không đến trường, thỉ thoảng mới có trẻ được bố mẹ đưa về học. Được mấy ngày, bố mẹ đi nương lại đưa con đi theo vì để ở bản thì không có ai chăm sóc. Khi mở lớp, bà con mừng lắm. Ngày nào phụ huynh cũng đưa con em đến lớp, giáo viên không phải đi gọi, đón nữa. Tỷ lệ chuyên cần đạt từ 95 - 97%.

Thầy giáo Lê Ánh Sáng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Chà, Nậm Nhùn, Lai Châu cho biết: Trước hết nhà trường có hai điểm bản là Huổi Mắn A và Huổi Mắn B, tỷ lệ chuyên cần hằng năm không đảm bảo, các em thường theo bố mẹ đi làm nương. Do vậy, nhà trường đã bàn bạc với chính quyền xã, thống nhất mở lớp ở điểm bản Huổi Mắn C. Nhà trường triển khai nhiệm vụ, các thầy cô giáo khắc phục khó khăn xuống đứng lớp vì quyền lợi học chữ của các em”.

“Lớp học phải dựng lên để giải quyết vấn đề tình thế trước mắt, song nếu không làm vậy thì gần 60 trẻ em ở đây sẽ thất học. Dù lớp học còn tạm bợ, khó khăn, nhưng giúp cho trẻ em được đi học, không phải hàng ngày vất vả theo bố mẹ lên nương, làm rẫy, làm ruộng”, ông Vũ Tiến Hóa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) chia sẻ.

Theo ông Vũ Tiến Hóa, để đảm bảo quyền lợi cho các học sinh ở điểm bản xa, đi lại khó khăn được tới trường học chữ, thì ngành đã vận động học sinh lớp bốn trở lên về trường trung tâm ở bán trú, ngoài ra ngành giáo dục huyện Nậm Nhùn phải trích kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để hợp đồng thêm 200 giáo viên, mở thêm lớp. Huyện Nậm Nhùn còn 10 điểm bản do nhân dân di chuyển để làm ruộng nương hoặc là chưa thành lập được bản. Dù khó khăn, vất vả, nhưng hàng ngày các thầy cô giáo ở vùng xâu, vùng xa, vẫn mang con chữ đến cho các em với tất cả tình thương, tâm huyết với nghề, để thắp sáng những hy vọng.

Bài và ảnh: Việt Hoàng
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ Mông
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ Mông

Do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều phụ nữ dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vẫn chưa biết đọc, biết viết. Nhằm nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện Đồng Văn đã mở nhiều lớp học xóa mù ở 19/19 xã trong toàn huyện...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN