Nhiều rào cản với lao động phổ thông - Bài cuối:

Lời giải cho bài toán lao động giá rẻ

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã có những chuyển hướng trong việc sử dụng lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có những chính sách về đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động.


Sử dụng lao động có tay nghề


Trước kia, những doanh nghiệp (DN) nước ngoài tìm đến TP Hồ Chí Minh để đầu tư chủ yếu do giá nhân công rẻ, đa số tuyển lao động chưa qua đào tạo. Tuy nhiên, những năm gần đây, DN đang ngày càng chú trọng tuyển lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Vì vậy, lao động giá rẻ nếu không được đào tạo để nâng cao tay nghề, sẽ khó có việc làm ổn định.

 

Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng tuyển dụng lao động có tay nghề cao.Đình Huệ - TTXVN


Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, hiện số lao động đang làm việc chưa qua đào tạo tại TP Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ cao, gần 34%, công nhân kỹ thuật - sơ cấp nghề (29%), tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp (10%), trình độ từ cao đẳng trở lên (27%). Trong đó, những lao động chưa qua đào tạo, lao động không có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật chủ yếu đang làm việc trong các KCX - KCN của TP chiếm 59% số lượng lao động trung bình của mỗi doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Tấn Định, nguyên Phó trưởng ban Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào KCN - KCX đa số sử dụng nhiều nhân công như dệt may, da giày, thủy sản, may mặc... Một trong những lý do là nguồn nhân công giá rẻ và dồi dào, cần cù. Trước kia, nhiều DN nước ngoài đăng tin tuyển dụng lao động chỉ cần người lao động có trình độ học vấn THCS và thậm chí chỉ cần biết đọc, biết viết cũng có thể được nhận vào làm. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, yêu cầu tuyển dụng của DN nước ngoài đã thay đổi, đa số chỉ tuyển lao động có trình độ học vấn từ cấp 2 trở lên, ưu tiên những người có kinh nghiệm, tay nghề.


Đồng quan điểm này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, đòi hỏi quy mô và cơ cấu nhân lực kỹ thuật khác nhau. Nếu như ở thời kỳ phát triển thấp, cơ cấu nhân lực sẽ là lao động phổ thông - công nhân kỹ thuật bậc thấp và bậc trung - lao động kỹ thuật bậc cao và lao động quản lý. Trong thời kỳ nền kinh tế phát triển cao (nhất là trong nền kinh tế tri thức), cơ cấu nhân lực sẽ là lao động kỹ thuật bậc cao và lao động quản lý - công nhân kỹ thuật bậc trung và bậc thấp - lao động phổ thông)... Mặt khác, những năm tới, xu hướng sử dụng lao động tại các KCN - KCX đã thay đổi theo hướng sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao phù hợp với công nghệ mới.


Kiến nghị chính sách phù hợp


Ông Đinh Văn Cương, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với nguồn lực lao động lớn và là cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều cơ chế chính sách tận dụng nguồn nhân lực này vẫn còn những bất cập. Do đó, chúng ta cần có thể chế, cơ chế chính sách phát huy nguồn lực này, đặc biệt lực lượng lao động nông thôn. Đây là lực lượng lao động lớn, chiếm gần 70% lao động xã hội.


Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò lớn trong chuyển dịch kinh tế. Dù Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo nghề Việt Nam nói riêng đều yếu, từ chất lượng thầy, trang thiết bị, điều kiện thời gian chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế. “Nguồn nhân lực giá rẻ theo tôi vẫn còn tác dụng nhất định trong việc thu hút đầu tư nhưng không nhiều như trước.

Người lao động chiếm gần 70% dân số với khoảng 62 triệu lao động, tuy nhiên phần lớn lực lượng lao động này nằm ở nông nghiệp. Làm nông nghiệp đất ít, theo tính thời vụ nên lợi thế về nhân lực giá rẻ vẫn chưa chấm dứt hẳn. Nguồn lao động giá rẻ sẽ chấm dứt nếu theo chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020, lao động nông nghiệp chiếm khoảng 30 - 35%.

Do đó, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nghề. Thực tế, đối tượng đào tạo này lớn trong khi nguồn lực có hạn nên chưa thể đáp ứng nhu cầu”, ông Cừ khẳng định.


Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho biết: Ở tầm vĩ mô, lao động giá rẻ đã đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực dệt may, điện tử, chế biến thủy sản... Tuy nhiên, về lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế, chúng ta tiến tới có những chính sách phát triển công nghiệp mũi nhọn, sử dụng nguồn lực chất lượng cao.


Xuân Minh - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN