Hiện trạng rừng chủ yếu là cây tràm nước tái sinh, cây bụi, trảng cỏ xen lẫn tràm bông vàng và rừng tràm trồng năm 2016, 2017…
Tại Kiên Giang: Theo Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, từ đầu mùa khô 2024 - 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng; trong đó, 1 vụ cháy rừng phòng hộ ở xã Vĩnh Phú, huyện biên giới Giang Thành và 3 vụ trên đảo Phú Quốc, gây thiệt hại tổng diện tích 16,88 ha. Hiện trạng rừng chủ yếu là cây tràm nước tái sinh, cây bụi, trảng cỏ xen lẫn tràm bông vàng và rừng tràm trồng năm 2016, 2017…
Ngoài ra, do thời tiết nắng nóng, hanh khô, trên địa bàn thành phố Phú Quốc còn xảy ra 7 vụ cháy trên đất dân, đất dự án, đất nhà nước quản lý nằm ngoài ranh rừng. Ngành chức năng và địa phương huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, kịp thời dập tắt, không để cháy lan, cháy lớn nghiêm trọng.
Từ ngày 12/2, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Phú Quốc đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm 2 đối tượng tại xã Bãi Thơm có hành vi sử dụng lửa thiếu an toàn, vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy, góp phần thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cụ thể là Công an xã Bãi Thơm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Đình Dinh (năm sinh 1976, quê quán tỉnh Thanh Hóa, nơi ở hiện tại ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc) với số tiền phạt 400.000 đồng.
Ông Dinh đã thực hiện hành vi vi phạm sử dụng nguồn lửa mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Tương tự, Công an xã Bãi Thơm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Võ Thanh Quân (năm sinh 2008, quê quán tỉnh An Giang, nơi ở hiện tại ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc) với số tiền phạt 200.000 đồng. Ông Quân đã thực hiện hành vi vi phạm sử dụng nguồn lửa mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, mùa khô 2024 - 2025, bước vào giai đoạn cao điểm, nắng nóng, gay gắt, ảnh hưởng bất lợi đến thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, qua kiểm tra hiện trạng các khu rừng trên địa bàn tỉnh, mực nước các kênh rừng cạn kiệt, thấp hơn so với cao điểm mùa khô năm 2024, vật liệu cháy khô hanh, rất dễ bén lửa, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, trong đó, một số lâm phần dự báo cháy cấp IV, cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Theo đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng khô hạn, thiếu nước; một số nơi như Giang Thành, Phú Quốc hiện đã có cấp báo cháy ở cấp IV, V nguy cơ cháy cao. Nguyên nhân gây cháy, đối với diện tích rừng tràm trên địa bàn huyện biên giới Giang Thành có thể xảy ra do người dân ra vào rừng săn bắt động vật hoang dã, sử dụng lửa bắt ong…
Trên đảo Phú Quốc do người dân tự ý đốt lửa dọn dẹp vườn, rẫy nhưng không kiểm soát hay không báo cơ quan chức năng hỗ trợ kiểm soát, nhất là trong khung giờ cao điểm nắng nóng gay gắt dễ dẫn đến cháy lan.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025; tổ chức thực tập tình huống chữa cháy rừng, chủ động bố trí trạm, chốt, lực lượng, phương tiện, thiết bị phù hợp cho từng vùng trọng điểm.
Ngành chức năng, đơn vị có liên quan, tăng cường lực lượng trực 24/24 giờ, tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, triển khai lực lượng dập tắt đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng, đặc biệt là các ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm…
Cùng đó, ngành chức năng phối hợp với các địa phương có rừng vận động tuyên truyền người dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí các biển báo và biển cấm vào rừng trong mùa khô, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn người dân ra vào rừng trái phép. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong rừng, ven rừng thiếu an toàn, đặc biệt là những khu vực nắng nóng gay gắt, gió mạnh, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Ngoài ra, vận động, yêu cầu người dân trong trường hợp đốt đồng để sản xuất nông nghiệp hay các trường hợp cần thiết khác phải báo cáo UBND xã, cơ quan kiểm lâm và đơn vị chủ rừng gần nơi đốt để được hướng dẫn, hỗ trợ, chủ động kiểm soát lửa, nhằm kịp thời xử lý khi có tình huống cháy lan xảy ra.
Tại Bắc Giang: Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang Nguyễn Văn Hậu, năm 2025 tỉnh thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững trên địa bàn để đạt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,5%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp khoảng 6%.
Năm 2025, tỉnh Bắc Giang tập trung bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có khoảng 160.000 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 55.000 ha; ngân sách nhà nước hỗ trợ, khoán bảo vệ rừng 37.000 ha (rừng phòng hộ, đặc dụng 24.000 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 13.000 ha).
Toàn tỉnh trồng rừng tập trung 10.000 ha (rừng phòng hộ, đặc dụng 30 ha; rừng sản xuất 9.970 ha). Trồng cây phân tán 6,4 triệu cây. Chăm sóc rừng trồng 24.000 ha (rừng phòng hộ, đặc dụng 276 ha, rừng sản xuất 23.724 ha). Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng là 1 triệu m3.
Bắc Giang tập trung hoàn thành kế hoạch trồng rừng tập trung khoảng 10.000 ha; trồng 6,4 triệu cây phân tán năm 2025 theo kế hoạch thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh và trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngành chức năng ở tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng rừng, đưa giống mới, nâng cao tỷ lệ giống sản xuất giống từ công nghệ cấy mô, có năng suất cao vào trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn; thực hiện liên kết trong sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ rừng thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC...
Năm nay, kiểm lâm Bắc Giang tăng cường bám rừng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và chủ rừng tích cực tuần tra rừng, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng trái pháp luật.
Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi khai thác, vận chuyển chế biến gỗ rừng tự nhiên trong nước; khởi tố, truy tố các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ rừng, nhất là các đối tượng đốt, phá rừng trái pháp luật.
Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang còn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cơ sở thường xuyên bám rừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường lực lượng về cơ sở, đặc biệt là những điểm nóng thường xuyên xảy ra cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật...
Năm 2024, toàn tỉnh Bắc Giang đã sản xuất được trên 44 triệu cây giống các loại, trồng rừng tập trung được gần 11.000 ha, trồng cây phân tán được hơn 7,2 triệu cây, khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt trên 1,4 triệu m3 gỗ.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2024 (theo giá hiện hành) đạt 2.363 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2023.
Kiểm lâm Bắc Giang đã tích cực triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2030; đôn đốc 4 chủ rừng là tổ chức xây dựng và hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Tuy nhiên, năm 2024 trên địa bàn tỉnh không có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt mới. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 16.996,04 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC); có 7/11 chủ rừng là tổ chức đã hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (đạt 63,6%) và tổng diện tích tương ứng là 40.610 ha (chiếm 82,4% tổng diện tích của chủ rừng là tổ chức quản lý).
Tại Hải Dương: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm 2025, tỉnh này đặt mục tiêu trồng khoảng 700.000 cây phân tán, cây rừng các loại. Riêng năm 2025, Hải Dương không chỉ tập trung trồng cây như mọi năm mà đẩy mạnh việc trồng rừng nhằm phục hồi các diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trồng cây tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Phát biểu tại lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ vào ngày 13/2 tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đã nhắc lại những lời căn dặn của Người "Việc trồng cây tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Đó cũng là một cuộc thi đua yêu nước" và đặc biệt nhấn mạnh: "Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".
Thực hiện lời căn dặn của Bác, Tết trồng cây đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa của Nhân dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, Xuân về; vừa ích nước, lợi nhà ,vừa góp phần giữ gìn cảnh quan, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, hiện nay, khi Hải Dương đang hướng tới mục tiêu phát triển xanh, thông minh, hiện đại, thì phong trào trồng cây mùa xuân càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ, nghiêm túc, thực chất, hiệu quả; việc lựa chọn giống cây cần phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tạo điểm nhấn, cảnh quan xanh, sạch, đẹp; đem lại giá trị kinh tế cao bền vững.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trồng cây tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Ngay sau lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2025 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã hưởng ứng tham gia trồng 60 cây thông cây cao từ 4 - 5m, có đường kính gốc 10 - 15cm, tượng trưng cho 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn và 300 cây thông nhỏ được trồng tại khu di tích Côn Sơn.
Cùng ngày, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cùng với nhân dân đã đồng loạt hưởng ứng trồng hàng nghìn cây xanh để bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan…