Loay hoay 'hậu tái định cư' thuỷ điện Sơn La

Đã 3 năm sau ngày thuỷ điện Sơn La chặn dòng dâng nước, đến thời điểm này chế độ trợ cấp đời sống cho đồng bào tái định cư đã kết thúc, song nhiều hộ dân ở thị xã Mường Lay - Điện Biên vẫn chưa có đất sản xuất, phải tự tìm đủ kế sinh nhai để tồn tại. Vấn đề tìm kiếm quỹ đất phù hợp cho các hộ nông nghiệp trên địa bàn vẫn đang là một bài toán khó giải đối với chính quyền thị xã Mường Lay.

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Để phục vụ dự án xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, thị xã Mường Lay đã phải di chuyển toàn bộ cư dân của mình theo hình thức “di vén”, hoặc di chuyển đi các khu tái định cư ở Lai Châu và Điện Biên. Riêng số dân tái định cư tại chỗ lên tới trên 2.000 hộ. Cho đến thời điểm này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã hoàn thành việc giao đất ở, toàn bộ các hộ này đã xây dựng xong nhà và ổn định nơi ở của mình. Tuy nhiên, vấn đề ổn định cuộc sống cho đồng bào hiện vẫn là một bài toán khó giải, nhất là đối với các hộ nông nghiệp trên địa bàn thị xã.

Theo ông Từ Bá Minh, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, đến thời điểm này, chính quyền địa phương đã giao được 49 ha đất bán ngập và 40 ha đất mới khai hoang cho các hộ dân nông nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, đơn vị thi công đang tổ chức san gạt, cải tạo 50 ha đất bán ngập để giao tiếp cho các hộ nông nghiệp sản xuất 1 vụ khi nước trong lòng hồ rút xuống. Chính quyền địa phương cũng đã hoàn thành việc giao rừng tới từng hộ dân và giải ngân khoản kinh phí dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng.

Nhiều lao động trên địa bàn đã được đào tạo nghề và chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp như đóng thuyền, sửa chữa cơ khí, buôn bán nhỏ, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản... Tuy nhiên, lãnh đạo chính quyền thị xã Mường Lay cũng thừa nhận rằng: do quỹ đất quá hạn hẹp, đất có thể cải tạo được lại ở quá xa nơi dân cư trú nên rất khó khăn trong vấn đề giao đất sản xuất cho một số hộ nông nghiệp trên địa bàn.

Tiếp xúc với các hộ dân tại bản Bó, bản Hốc của phường Na Lay, tất cả ý kiến kiến nghị của đồng bào là chưa muốn nhận đất sản xuất mà chính quyền đang xây dựng phương án giao cho bà con. Ông Lò Văn Chiến, Trưởng bản Bó bày tỏ: bản Bó có 32 hộ dân, đến nay đã hoàn thiện nhà ở khang trang, nhưng người dân lại chưa có đất sản xuất, nên đời sống hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Chế độ trợ cấp đời sống cho các hộ tái định cư đã hết, để sinh sống, người dân phải đi làm thuê cho các doanh nghiệp với các công việc thủ công như vác đá, nạo vét lòng hồ, đi khai thác đá đen, hoặc làm nương trên núi.

Khi chính quyền tổ chức tạo quỹ đất sản xuất tại xã Lay Nưa, xã Mường Tùng, bản đã cử đại diện vào tham quan, song nhân dân không muốn nhận phần đất này vì ở cách xa nơi cư trú tới 10km, lại thiếu nước sản xuất. Đất giao cho các hộ trong khu vực không công bằng như: các bản khác đã có đất sản xuất, nay lại được giao thêm, trong khi bản Bó, bản Hốc mất toàn bộ đất canh tác, lại sắp xếp vào những nơi khó khăn như vậy.

Dân đi làm ruộng có đi bằng xe máy thì thu hoạch cũng không đủ tiền xăng đi lại, lại không thể bố trí người để chăm sóc, bảo vệ mùa màng. Nhân dân trong bản mong muốn chính quyền bố trí lại đất sản xuất hợp lý giữa các bản, hoặc tạo được quỹ đất bán ngập để có thể canh tác gần nhà, làm ruộng một vụ và trồng cây ngắn ngày.

Cụ Tòng Văn Bó, 80 tuổi ở bản Hốc phản ánh: "Trước đây, khi nước chưa dâng thì bản có đủ ruộng để làm. Nay cả bản có 180 hộ thì con cháu đều phải đi làm thuê, đi khai thác đá đen lấy tiền mua gạo vì không có đất sản xuất. Nghe con cháu nói đi vào thăm chỗ chính quyền chuẩn bị giao đất cho dân trong bản, nhưng ở xa lắm, lại thiếu nước. Ruộng bậc thang mà từ thửa ruộng trên xuống thửa ruộng dưới cao 3-4m thì trâu cày rơi xuống cũng chết, dân bản chưa muốn nhận ruộng này đâu".

Được biết để giải quyết tình trạng này, chính quyền thị xã Mường Lay sẽ tổ chức vận động bà con trước mắt cứ nhận phần đất sản xuất được giao theo phương án. Sau đó các hộ dân sẽ tự điều chỉnh bằng cách chuyển đổi cho nhau theo hình thức dồn điền đổi thửa. Còn vấn đề thiếu quỹ đất sản xuất, phải quy hoạch ở xa nơi dân cư cư trú khiến nhân dân không đồng thuận là vấn đề...bất khả kháng, chính quyền rất khó giải quyết. Bởi vậy bài toán “hậu tái định cư” cho nhân dân một số bản ở thị xã Mường Lay xem ra vẫn là một bài toán khó giải.


Chu Quốc Hùng

Làng mới ở vùng tái định cư Thủy điện Thượng Kon Tum
Làng mới ở vùng tái định cư Thủy điện Thượng Kon Tum

Dự án thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220MW, đã được triển khai gần 4 năm qua, đến nay đang gấp rút hoàn thành việc thi công hồ chứa để sớm phát điện. Trước khi có dòng điện này, tại vùng tái định canh, định cư của công trình, một làng mới cũng dần hiện hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN