Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn - Bài 4: Tìm giải pháp cho vùng ngoại thành Hà Nội

Đến nay cuộc sống người dân vùng ngập lụt Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) đã cơ bản ổn định, tuy nhiên hậu quả của cơn bão số 3 và hoàn lưu với những trận mưa to cuối tháng 7 gây ngập một vùng rộng lớn ngoại thành, khiến hàng nghìn hộ dân vùng phân lũ ngoại thành Hà Nội phải trải qua những ngày "sống chung vói lụt" vẫn còn đó. Cần sớm có những giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng ngập lụt không phải diễn ra một lần này.

Nhiều vùng ngoại thành bị tác động

Theo UBND huyện Quốc Oai, mực nước trên sông Tích (huyện Quốc Oai) ở thời điểm cao nhất là 8,6 m, vượt báo động 3 và kéo dài 13 ngày liên tục làm một số khu dân cư bị cô lập. Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng ban Phòng chống thiên tai huyện Quốc Oai cho biết: Địa bàn huyện có 5 xã bị ngập úng do cơn bão số 3 gây ra, bao gồm xã Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa và Ngọc Liệp; trong đó xã Cấn Hữu và xã Phú Cát có chỗ ngập sâu tới 2m và có số hộ bị ngập nhiều nhất. Thời điểm ngập cao nhất, toàn huyện có 538 hộ bị ngập. Các xã đã huy động hơn 4.800 lượt người tham gia chống tràn và xử lý sự cố đê. Với các hộ bị ngập, người dân cũng đã chủ động kê cao tài sản, đường điện đấu lên cao nên không bị cắt điện, giảm tối thiệt hại.

Chú thích ảnh
Khắc phục hậu quả ngập lụt tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ).

Theo ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, do cùng hệ thống sông Bùi với huyện Chương Mỹ nên trên địa bàn có 3 xã bị ngập trong đợt mưa lũ vừa qua. Trong đó, gần 200 hộ sống ngoài vùng bãi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngập nặng nhất vừa qua tại khu vực ngoại thành Hà Nội là huyện Chương Mỹ. Theo đó, mức lũ trên sông Bùi (tại Yên Duyệt, huyện Chương Mỹ) đạt đỉnh chiều 30/7 là 7,51 m (vượt báo động 3 là 0,51 m). Đây là mức nước cao nhất từ khi có số liệu so sánh.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Hà Nội, huyện Chương Mỹ có gần 3700 hộ, gần 1.400 ha lúa, hơn 600 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập… Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho hay: Mưa lũ đã làm nhiều địa bàn dân cư, lúa, hoa màu bị ngập như Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Sơn Tây, Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thạch Thất. Ba huyện bị thiệt hại nặng nhất là Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Ước tính riêng thiệt hại tại hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức là 300 tỷ đồng.

Tìm hiểu thực tế tại rốn lũ Chương Mỹ là xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến, theo quy luật, cứ 5-6 năm thì sẽ có đợt ngập. Năm 2017 đã xảy ra đợt mưa lũ gây ngập nặng  nên nhiều người dân không ngờ năm nay mưa to, lũ gây ngập nặng như vậy. “Tôi vẫn nhớ trận ngập lụt năm năm 1978, tiếp đó là năm 2008. Và năm 2018, nước tràn đê gây ngập hơn 20 ngày làm đảo lộn mọi cuộc sống người dân chúng tôi”, ông Nguyễn Đình Thế, 68 tuổi, tại đội 2 xóm Năng, xã Tân Tiến chia sẻ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Chương Mỹ bị ngập nặng trong đợt vừa qua là do nước lũ các cánh rừng từ Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình) đổ về kết hợp với mưa to tại Chương Mỹ (Hà Nội). Lý do ngập kéo dài tại huyện Chương Mỹ là do địa bàn bị ngập nằm ở lưu vực sông Bùi, được quy hoạch là vùng thoát lũ. 

Theo ông Chu Phú Mỹ, sau trận lụt năm 2017 tại Chương Mỹ, thành phố đã nghiên cứu phương án xây dựng trạm bơm tại khu vực Ba Thá để tiêu nước cho sông Tích, sông Bùi. Nhưng khảo sát thực tế cho thấy, nếu xây dựng trạm bơm thì quy mô sẽ rất lớn, chi phí quá cao mà hiệu quả chưa thực sự rõ.

Lâu dài sẽ quy hoạch lại và di dân vùng ngập lụt

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: Đê tả Bùi (bên trái sông Bùi) thiết kế cao 7,5 m và hữu Bùi (bên phải sông Bùi) cao 7 m. Khi nước sông Bùi dâng cao trên báo động số 3 (trên 7 m) sẽ cho phép tràn qua đê hữu Bùi để bảo vệ an toàn cho đê tả Bùi.

Đê tả Bùi là tuyến đê bảo vệ cho huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ và một phần của nội đô Hà Nội.

Chú thích ảnh
Cấp điện trở lại cho người dân vùng ngập lụt.

Việc để nước tràn qua đê hữu Bùi khi lũ vượt báo động 3 nằm trong kế hoạch Phòng chống lụt bão hàng năm của thành phố. “Chiến lược lâu dài là di dân toàn bộ vùng hữu Bùi (xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, một phần các xã: Thủy Xuân Tiên, Tốt Động và Hoàng Văn Thụ) để đảm bảo an toàn cho dân có cuộc sống ổn định”, ông Đinh Mạnh Hùng cho biết.

Do đó, giải pháp trước mắt, huyện Chương Mỹ kiến nghị thành phố và trung ương nâng cấp cả đê tả Bùi và hữu Bùi để khi nước dâng bà con các xã yên tâm hơn. Bên cạnh đó, huyện cũng kiến nghị đầu tư quy hoạch lại hệ thống giao thông, nước sạch để bà con sống chung với lũ bớt khó khăn.

Liên quan tới giải pháp chống ngập lụt khu vực Chương Mỹ, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội về công tác phòng chống lụt bão năm 2018, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết: Việc cải tạo đê điều và đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực vùng lũ, vùng ngập lụt luôn luôn được thành phố quan tâm. Việc nâng cấp đê tả Bùi là ý tưởng nhằm đảm bảo an toàn đê điều. Tuy nhiên, việc xây dựng, kết cấu thế nào còn phải được các cơ quan chuyên môn đánh giá, nghiên cứu.

Về vấn đề an toàn của người dân, ông Đỗ Đức Thịnh cho biết: “Đối với những làng, xã thuộc khu vực đê hữu sông Bùi, ở những vùng trũng, thấp cần phải có phương án di dời nhân dân. Cùng với đó, cần phải từng bước kiên cố hóa được những khu không thể di dời, hạn chế được tối đa thiệt hại khi có ngập, lụt. Đối với việc trồng trọt, sản xuất thì cần có khuyến cáo về việc trồng cây ngắn ngày”.

Đê tả Bùi (trên 14 km), hữu Bùi (hơn 18 km) thuộc loại đê cấp 4. Hà Nội có hơn 626 km đê được phân làm 5 cấp. Việc phân cấp đê sông dựa vào các tiêu chí: dân số, diện tích bảo vệ, độ ngập sâu trung bình các khu dân cư so với mực nước thiết kế; lưu lượng lũ thiết kế. Theo các tiêu chí trên, hơn 37 km đê hữu Hồng, đoạn đi qua địa phận Hà Nội cũ, được phân loại cấp đặc biệt. Trong 10 năm trở lại đây, đã 3 lần nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Lần đầu là năm 2008, khi Hà Nội bị ngập lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017 và đợt ngập kéo dài từ cuối tháng 7 đến nay là lần thứ ba.
XC/Báo Tin tức
Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn - Bài 3: Mời gọi vốn cho các dự án chống ngập
Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn - Bài 3: Mời gọi vốn cho các dự án chống ngập

Hơn 10 năm trước, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện hàng loạt dự án chống ngập và cải thiện môi trường với mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng hiệu quả chưa như mong muốn và "ngập vẫn hoàn ngập".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN