Một cột điện có treo tới 3 loa phường gồm cả loa mới lẫn cũ tại phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) |
Nội thành muốn bỏ, ngoại thành thấy cần
Về hiệu quả của loa phát thanh tại phường, xã (hay còn gọi là loa phường) tùy theo mỗi góc nhìn, mỗi địa bàn, mỗi cá nhân đều có quan điểm riêng.
Ông Đinh Công Thành, phố Hàng Khoai (Hà Nội) cho biết: “Nhà có người ốm, nằm liệt giường mà loa phường cứ giã vào tai đầu giờ sáng, đến người khỏe còn thấy mệt, lúc ấy thì bức xúc lắm. Tôi có làm đơn lên phường yêu cầu di dời loa phường, nhưng đến nay vẫn không có hồi âm”.
Còn bà Nguyễn Thị Đoàn, phố Đào Tấn (Ba Đình), phản ảnh: Âm thanh phố phường quá ồn ào nên nội dung loa phường nghe không rõ, cho nên với nội thành nên bỏ loa phường vì không hiệu quả.
Theo khảo sát của phóng viên, trong 4 quận nội đô, mật độ loa phường khá dày đặc. Trong đó, những khu tập thể cũ, khu phố cổ có mật độ loa khá dày: Tập thể Nguyễn Công Trứ, Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng); Giảng Võ, Thành Công (quận Ba Đình), những làng cổ dọc phố Thụy Khuê… Nhiều cột loa có tới 3, 4 loa lớn nhỏ. Theo một cán bộ làm văn hóa tại một số phường Ba Đình, nội dung phát trên loa do cán bộ văn hóa phụ trách trưởng đài phường phụ trách. Bên cạnh truyền thanh một số nội dung của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Hà Nội, các phường tập trung thông tin một số chính sách trên địa bàn. Tuy nhiên, một số phường tường thuật cả một số phiên tòa lưu động, thông tin việc ma chay, hiếu hỉ lên loa…
“Bỏ loa phường là rất hợp lý. Gia đình chúng tôi chẳng bao giờ nghe loa phường. Còn những gia đình ở gần nơi lắp loa thì ngày nào cũng bức xúc vì âm lượng loa quá lớn”, bà Nguyễn Thị Đoàn đề xuất.
Trong khi đó, tại vùng ngoại thành Hà Nội, hệ thống loa phát thanh vẫn được người dân đề xuất giữ lại. Bà Đức, đội 7, thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh) cho biết: Loa phát thanh vẫn có tác dụng khi thông báo tình hình an ninh trật tự địa phương. Thông tin trên loa phường chỉ hữu ích khi thông báo phòng chống thiên tai, hoạt động giải phóng mặt bằng, lịch tiêm chủng, bầu cử, đóng các loại phí…
Ông Trần Quang Hùng, cán bộ văn hóa xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội cho rằng: "Loa phát thanh là một trong những hình thức tuyên truyền tới người dân nhanh nhất các nội dung liên quan đến vệ sinh môi trường, giải phóng mặt bằng. Giờ phát thanh theo quy định của Đài phát thanh của huyện. Do không gian ở làng quê còn thoáng nên nội dung nghe rõ. Do đó, tôi đề xuất giữ lại loa phát thanh. Tuy nhiên, nội dung, thời gian cũng có thể linh động hơn".
Sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế
Trên thực tế chưa có cuộc khảo sát xã hội học nào về tác dụng của loa phường. “Do đó, từ yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố, cũng cần có nghiên cứu cụ thể về tác dụng của loa phường. Trong đó quy định thời gian phát, nội dung phát. Không để tràn lan như hiện nay”, nhà xã hội học Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Còn theo một số cán bộ phụ trách mảng thông tin tại một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trung bình hệ thống loa mỗi phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng/năm cho chi phí kiểm tra, bảo dưỡng. Đó là chưa tính đến các khoản chi cho lương, phụ cấp cho trưởng đài, phát thanh viên...
Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch thành phố Hà Nội, Sở cũng đã trao đổi với lãnh đạo quản lý văn hóa thông tin của 30 quận huyện trên địa bàn và đang tiến hành kiểm tra số lượng loa trên địa bàn.
Trên cơ sở số liệu thống kê, khảo sát, Sở sẽ kiểm tra xem có đáp ứng được yêu cầu bỏ loa phường hay không? Hiện nay về cơ sở vật chất và nội dung phát thanh thuộc sự quản lý của UBND các quận huyện, phường xã.
Trên cơ sở khảo sát ý kiến của người dân, chính quyền địa phương, Sở sẽ tham mưu kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Ví dụ như ở các quận cũ nội đô, có thể giảm số lượng loa phường, nội dung thông tin... tránh ảnh hưởng đến các hộ gia đình. Ở quan điểm cá nhân của ông Khánh, thì loa phát thanh vẫn có những tác dụng nhất định.