Trong khi đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng thì mới đây, cùng với việc chi tới trên 1.230 tỷ đồng để đặt hàng 49 tuyến xe buýt trong năm 2012 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp cùng liên ngành trình UBND thành phố phê duyệt phương án điều chỉnh giá vé xe buýt để áp dụng thực hiện trong năm 2012 và lộ trình điều chỉnh giá vé đến năm 2015.
Việc tăng giá vé xe buýt - phương tiện duy nhất để giảm tải phương tiện giao thông cá nhân cho nội đô khiến nhiều người lo ngại người dân có thể sẽ "quay lưng" với loại phương tiện này và khi đó đội ngũ những người tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân trên địa bàn lại tăng lên, phá vỡ kết quả của giải pháp đổi giờ học, giờ làm mà thành phố đang nỗ lực thực hiện.
Xe buýt đưa đón hành khách tại điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN. |
Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội đạt được trong những năm qua được đánh giá là "bước nhảy ngoạn mục" so với 10 năm về trước. Theo báo cáo của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, trong năm 2011, Tổng công ty đã vận chuyển trên 410 triệu lượt hành khách bằng xe buýt, chiếm 92% sản lượng của toàn mạng. Như vậy, xe buýt đã giảm cho giao thông thành phố 410 triệu lượt phương tiện giao thông cá nhân, trong đó học sinh, sinh viên, những đối tượng chưa có thu nhập chiếm một tỷ lệ lớn. Nếu theo tiêu chí của vận tải mà người dân lựa chọn là "nhanh, rẻ, thuận lợi và phục vụ tận tình, chu đáo" thì ưu điểm lớn nhất của xe buýt là rẻ. Vậy, nếu tăng giá vé xe buýt thì loại phương tiện vận tải hành khách công cộng này có còn sức hấp dẫn như trước đối với hành khách đi xe?
Để thu hút người dân đi xe buýt, giảm phương tiện giao thông cá nhân cho nội đô, trong khi các loại phương tiện vận tải hành khách khác phải cạnh tranh khốc liệt thì xe buýt được thành phố trợ giá với kinh phí lớn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động. Năm 2011, UBND Tp. Hà Nội đã trợ giá cho xe buýt 1.084 tỷ đồng và đến năm 2012 đã tăng lên là 1.230 tỷ đồng. Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, số tiền trợ giá tăng thêm trong năm 2012 là do phát triển thêm tuyến xe buýt mới. Bên cạnh đó, lương công nhân lái xe, giá nhiêu liệu cũng tăng nên phải điều chỉnh trượt giá. Hiện Hà Nội có 82 tuyến xe buýt, trong đó có 49 tuyến theo đặt hàng của thành phố, 5 tuyến phục vụ cán bộ công chức, 16 tuyến xã hội hóa. Tổng số tuyến được trợ giá là 65 tuyến. Mặc dù giá vé xe buýt như hiện nay so với mặt bằng giá vận tải chung là rẻ và chấp nhận được, nhưng nhiều ý kiến cho rằng giá đó là phù hợp với điều kiện được trợ giá, song chất lượng phục vụ của xe buýt còn thấp. Ngay Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thừa nhận hoạt động của xe buýt còn nhiều bất cập cần chấn chỉnh, chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Năm 2012 là năm đầu tiên Sở Giao thông Vận tải thực hiện đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn 2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng vận tải công cộng, thu hút người đi xe buýt, giảm phương tiện cá nhân, góp phần hạn chế ùn tắc ở thành phố. Với đối tượng hướng tới là người dân, thì việc điều chỉnh giá vé xe buýt cần phải được các ngành chức năng dựa trên lợi ích của người dân để đưa ra mức giá hợp lý. Nên chăng trước khi tăng giá vé, dịch vụ xe buýt cần điều chỉnh nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo lợi ích và an toàn cho người dân, tránh tình trạng đẩy gánh nặng trợ giá sang những hành khách đi xe buýt.
Tuyết Mai