Khoảng 9 giờ ngày 4/5, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Dương tiếp nhận tin báo cháy tại Công ty Cổ phần gỗ Tâm Thuận Phát, ở đường Bình Chuẩn 26, khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An. Do công ty rộng khoảng 4.000m2, chủ yếu sản xuất giường tủ, bàn ghế và nhiều chất dễ cháy nên đám cháy bùng lên dữ dội. Vào thời điểm trên, công nhân đang làm việc trong công ty thì phát hiện khói bốc lên từ nhà xưởng nên nhanh chóng báo cho bảo vệ và lãnh đạo công ty. Chỉ trong chốc lát, ngọn lửa bao trùm cả nhà xưởng.
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đã điều động 15 xe chữa cháy, 75 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Hàng chục hộ dân và hộ kinh doanh sát bên phải di chuyển đồ đạc ra xa để phòng cháy lan.
Đến 12 giờ ngày 4/5, đám cháy vẫn chưa được dập tắt, lực lượng cứu hỏa tập trung xử lý, phun nước ngăn không cho cháy lan. Diện tích bị cháy ước tính khoảng 1.000m2, nhiều gỗ thành phẩm và máy móc bị thiệt hại, nhà xưởng bị đổ sập.
Trước đó, vào 18 giờ 30 ngày 3/5, tại nhà máy của Công ty TNHH Insulpack Việt Nam (kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa, bao bì bằng gỗ) trên đường ĐT743, phường An Phú, thành phố Thuận An, cũng đã xảy ra cháy lớn khiến khoảng 1.000m2 nhà xưởng bị thiêu rụi.
Tiếp đó, khoảng 23 giờ ngày 3/5, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ cũng đã thức xuyên đêm dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương ở khu phố 3, phường Tân Định, thị xã Bến Cát, khiến hơn 1.200m2 nhà xưởng bị cháy. Lực lượng chữa cháy đã phải chia thành nhiều hướng phun nước để khống chế ngọn lửa tránh lan sang các công ty bên cạnh.
Trung tá Nguyễn Văn Tùng - Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ cho biết, trong quý I/2021, đơn vị đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho 254 cơ sở với gần 9.000 người tham gia.
Tuy nhiên, tại thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, thị xã Tân Uyên... có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho hàng hóa vừa và nhỏ xen lẫn trong khu dân cư; nhiều công trình xây dựng đưa vào hoạt động nhưng chưa được cấp phép hoặc trái phép như: Nhà tiền chế, nhà tạm, kho bãi cho thuê…; tình trạng người đứng đầu nhiều doanh nghiệp, một số cơ sở chưa ý thức chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn còn tồn tại.
Hơn nữa, công tác xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn gặp nhiều khó khăn như: Chế tài chưa đủ tính răn đe; một số cơ sở không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, kéo dài thời gian hoặc không đóng phạt; khi kiểm tra người đứng đầu các cơ sở không có mặt, không ủy quyền hoặc có mặt nhưng không ký biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm. Nhiều cơ sở có công trình xây dựng lâu năm đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy tuy nhiên không còn lưu giữ bản vẽ thẩm định dẫn đến khó có căn cứ xác định để xử lý khi cải tạo, xây dựng thêm công trình, thay đổi công năng sử dụng...
Trong quý I/2021, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 12 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản. Ngoài ra, có 172 vụ cháy nhỏ thiệt hại không đáng kể tại cơ sở, nhà dân, cháy cỏ, rác, phế liệu, hộp tụ điện ở các trụ điện...