Lâu nay, nhiều người bệnh vẫn than phiền về việc mỗi lần đi khám bệnh đều phải thực hiện lại toàn bộ xét nghiệm, chụp, chiếu hình ảnh... vừa tốn kém vừa mất thời gian chờ đợi. Từ 1/8/2017, 38 bệnh viện tuyến Trung ương đã công nhận kết quả xét nghiệm của nhau và sắp tới đây, các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện hạng 1 cũng sẽ liên thông kết quả xét nghiệm, góp phần hạn chế lãng phí.
Hệ thống thiết bị khoa Vi sinh - bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) đạt chuẩn ISO. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Người dân hưởng lợi Được Bệnh viện tỉnh Bến Tre chẩn đoán viêm phổi cấp nhưng điều trị không hết bệnh, ông Huỳnh Hữu Minh lên Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh khám lại. Dù đã cầm theo toàn bộ kết quả xét nghiệm của bệnh viện tỉnh mới cách đây một tuần nhưng ông Minh vẫn phải thực hiện lại gần như toàn bộ các chẩn đoán cận lâm sàng. Ông Minh cho hay, ông đã tốn hơn 4 triệu đồng và mất gần 3 tiếng để chờ xét nghiệm lại tại đây.
“Có những loại xét nghiệm như xét nghiệm máu hay chụp X-quang, siêu âm tôi nghĩ đã làm ở bệnh viện khác rồi thì không nên yêu cầu bệnh nhân làm lại nữa, vừa tốn thêm tiền mà tốn thời gian chờ đợi trong khi cho ra kết quả giống nhau”, ông Minh kiến nghị.
Tương tự, chị Trương Thị Yến (Đồng Tháp) đang chờ kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, dù trước đó chị đã đi một vài bệnh viện khác nhưng khi đến đây vẫn buộc phải thực hiện lại chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu với thời gian chờ đợi hơn 5 tiếng. Chị Yến mong mỏi: “Nếu bệnh viện này dựa trên kết quả của bệnh viện khác thì bệnh nhân vui hơn, đỡ tốn tiền mà tôi nghe nói chụp phim X-quang nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, mỗi năm các bệnh viện, viện dự phòng thực hiện khoảng 475 triệu xét nghiệm các loại. Trung bình sau mỗi năm, con số này tăng khoảng 10%, tăng cao hơn cả tỷ lệ gia tăng lượt người dân đi khám chữa bệnh.
Đơn vị này cũng chỉ ra rằng, nếu giảm được 1% số lượng xét nghiệm thì có thể giảm được gần 5 triệu lượt xét nghiệm/năm. Tính trung bình mỗi xét nghiệm giá 50.000 đồng sẽ có khoảng 273 tỷ đồng tiết kiệm được mỗi năm từ xét nghiệm.
Vì vậy theo lộ trình của Bộ Y tế, bắt đầu từ 1/8/2017, 38 bệnh viện tuyến Trung ương chính thức liên thông kết quả xét nghiệm, công nhận kết quả khoảng 100 loại xét nghiệm. Đó là các xét nghiệm như: xét nghiệm vi sinh, sinh hóa, xét nghiệm máu... Sau đó, từ 1/1/2018, sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 và mục tiêu cuối cùng là đến năm 2025 thực hiện liên thông ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Đánh giá về chủ trương này, ông Nguyễn Duy Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Y tế và Quản trị bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ý tưởng liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hữu ích và nên làm, giúp giảm 50% tổng lượng xét nghiệm trong khám chữa bệnh và khoảng 20% tổng chi phí khám chữa bệnh, tương đương 20% tổng chi của quỹ Bảo hiểm y tế. Ông Thuận bình luận: “Có thể thấy rõ lợi ích cho xã hội, lợi ích của người bệnh là rất lớn khi không phải làm đi làm lại cùng một xét nghiệm nhiều lần”.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Y tế và Quản trị bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh, nếu liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện, mỗi ngày chỉ tính riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm được khoảng 80.000 giờ chờ đợi của hơn 40.000 người dân khám chữa bệnh.
Cần chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hải Dương là bệnh viện hạng I đang đầu tư trang thiết bị y tế để chuẩn hóa quy trình liên thông kết quả xét nghiệm. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Là bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho khoảng 10.000 lượt bệnh nhân cả nội trú lẫn ngoại trú, thực hiện khoảng 4.000 xét nghiệm và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Theo bác sỹ Chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Long, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện Bệnh viện đang sử dụng hệ thống quản lý xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012.
Từ trước đến nay, thông thường các phòng xét nghiệm ở tuyến dưới đều có chuẩn thấp hơn nên khi lên đến Bệnh viện Chợ Rẫy buộc phải xét nghiệm lại, cộng thêm phải thực hiện một số xét nghiệm khác mang tính chuyên khoa sâu để có thể chẩn đoán, điều trị chính xác hơn. Tuy nhiên, ở một số xét nghiệm đơn giản, thông dụng, nếu bệnh nhân mới xét nghiệm trong vòng 15 ngày và xét nghiệm đó còn phù hợp thì bác sỹ điều trị có thể sử dụng, không yêu cầu xét nghiệm lại.
“Không phải bệnh viện không tin kết quả từ các bệnh viện khác mà đa phần những kết quả đó chưa đủ yêu cầu của một bệnh viện tuyến cuối”, bác sỹ Nguyễn Hữu Long cho biết. Do đó, để việc liên thông được thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng điều trị, an toàn cho bệnh nhân cần phải chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm giữa các bệnh viện.
Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Phủ Mạnh Siêu - Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để liên thông kết quả xét nghiệm, trước mắt Bộ Y tế phải kiểm định lại tất cả các phòng xét nghiệm và đưa ra danh sách cụ thể phòng xét nghiệm nào đủ tiêu chuẩn để liên thông, công nhận kết quả lẫn nhau.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Y tế và Quản trị bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh, việc các bệnh viện tuyến Trung ương công nhận kết quả xét nghiệm của nhau không có gì trở ngại bởi các bệnh viện này vốn đã có hệ thống các phòng xét nghiệm hiện đại, chuẩn ISO ngang nhau. Tuy nhiên, với các bệnh viện hạng 1, bệnh viện tuyến tỉnh thì Bộ Y tế cần phải xây dựng một bộ nguyên tắc và bộ quy trình chuẩn cho tất cả các phòng xét nghiệm của các bệnh viện này.
Ông Thuận cho rằng, trước hết cần đồng bộ hệ thống máy móc, nên có quy định buộc phải sử dụng loại máy đạt tiêu chuẩn nào, thậm chí là quy định sử dụng dòng máy nào cho loại xét nghiệm nào. Bên cạnh đó, cần có quy trình chuẩn vận hành ở tất cả các phòng xét nghiệm, trong đó bao gồm cả việc đào tạo lại đội ngũ nhân sự. Nếu xây dựng được đầy đủ 2 quy chuẩn này thì có thể chuẩn hóa, liên thông được kết quả xét nghiệm trên cả nước.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2018 trên địa bàn thành phố sẽ có 22 bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện hạng 1 thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm. Hiện Sở đã chuẩn bị các bước triển khai hướng dẫn bộ tiêu chí đối với chất lượng phòng kiểm nghiệm ở các bệnh viện này.
Cụ thể, có 14 khuyến cáo về thực hiện an toàn sinh học, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, nội kiểm, ngoại kiểm, quy trình thao tác chuẩn … Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm thành phố tập huấn lại nhân sự, vận hành quy trình theo đúng các yêu cầu chất lượng xét nghiệm mà Bộ Y tế quy định nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác nhất, tương đồng nhất giữa các phòng xét nghiệm.