Dịch lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện không chỉ trên đàn trâu, bò mà có xu hướng lây lan nhanh sang đàn lợn. PV báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.
Vì sao dịch LMLM lại có chiều hướng lây lan nhanh chóng trong thời qua, thưa ông?
Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến cho dịch LMLM lây lan mạnh trong thời gian qua. Thực tế, trong công tác phòng chống dịch, chính quyền và người dân ở một số địa phương chủ quan, lơ là, không triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống theo quy định.
Bên cạnh đó, kết quả tiêm phòng vắcxin LMLM ở những vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ chưa được thực hiện tốt, nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp, trong đó có cả các địa phương thuộc vùng khống chế và vùng đệm trong Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM được Nhà nước hỗ trợ vắcxin.
Ngoài ra, còn có sự tác động của nhiều yếu tố khác như công tác tuyên truyền, giám sát còn nhiều bất cập. Một số địa phương đã buông lỏng quản lý giám sát dịch bệnh. Hiện tượng giấu dịch, phát hiện dịch chậm còn xảy ra...
Ngoài ra, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, tập quán chăn nuôi trâu bò thả rông phổ biến, nhất là ở vùng sâu, xa cũng khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh. Những gia súc này thường không được tiêm phòng nên rất dễ mắc bệnh rồi lây bệnh sang những gia súc khỏe. Việt Nam là nước nhập khẩu trâu bò từ các nước xung quanh với số lượng lớn. Với đường biên giới dài khoảng 3.000 km và địa hình phức tạp, công tác kiểm dịch gặp nhiều khó khăn. Gia súc phần lớn vận chuyển bất hợp pháp qua tiểu ngạch và tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh Bắc Trung bộ và Tây Nam. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Đây cũng là nguyên nhân khiến dịch lây lan mạnh trong thời gian qua.
Năm nay, dịch LMLM không chỉ xảy ra trên đàn trâu, bò mà còn lây lan mạnh sang đàn lợn, vì sao lại có hiện tượng này, thưa ông?
Các ổ dịch LMLM lây lan rất nhanh, tỷ lệ mắc và chết ở lợn cao hơn so với các năm trước. Trong thời gian ngắn, dịch đã lây lan ra nhiều xã, huyện, tỉnh và số gia súc mắc bệnh nhiều hơn so với những năm trước đây. Đặc biệt, các tỉnh miền Nam, dịch LMLM chủ yếu xảy ra trên đàn lợn. Như vậy, tính từ cuối năm 2010 đến nay, số gia súc (chủ yếu bò, trâu, lợn) mắc bệnh LMLM trong cả nước đã lên khoảng 18.000 con.
Theo tôi, dịch lây lan mạnh trên đàn lợn chủ yếu do thức ăn “nhiễm bệnh”. Nguyên nhân là các hộ chăn nuôi thường sử dụng thức ăn cho lợn được chế biến từ lợn bị bệnh. Có điều này là do người chăn nuôi chưa nắm vững được kỹ thuật khi thức ăn không được nấu chín, dịch bệnh từ những con bị bệnh sẽ theo đường thức ăn lây sang các con khác. Bên cạnh đó, virút còn lây từ trâu, bò sang lợn. Nếu như chúng ta cách ly trâu bò với lợn thì dịch sẽ không thể lây lan nhanh như vậy.
Bệnh LMLM ở lợn không những lây từ trâu bò mà còn từ lợn sang lợn. Hơn nữa, bệnh này lây lan, truyền bệnh qua nhiều con đường như gió, không khí...
Cục đã chỉ đạo các địa phương ngăn chặn tình trạng lây lan của dịch LMLM như thế nào, thưa ông?
Vì bệnh này có thể lây lan qua nhiều con đường, do đó, người chăn nuôi phải biết áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là không để xảy ra ổ dịch lớn, lây lan diện rộng, đến tháng 4/2011 sẽ khống chế được dịch bệnh.
Ngay từ bây giờ, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM gia súc, theo các kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 38; Thông tư 22 và Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với những tỉnh đang có dịch, tập trung mọi lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch, tổ chức cách ly gia súc mắc bệnh, lập chốt kiểm dịch cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc cảm nhiễm ra ngoài ổ dịch, tiêm phòng bao vây và vệ sinh tiêu độc. Cần tăng cường công tác giám sát chủ động đến tận hộ chăn nuôi nhằm quản lý chặt đàn gia súc mắc bệnh, phát hiện nhanh và xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh hoặc dịch còn ở diện hẹp.
Song song với đó là kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, nhập khẩu gia súc. Có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động của các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp con giống gia súc phải có sự tham gia của các cơ quan thú y địa phương. Thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2011-2015. Yêu cầu tiêm phòng phải đạt 80% so với tổng đàn.
Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, cả nước còn 21 tỉnh là Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lào Cai, Phú Yên, Gia Lai và Sóc Trăng có dịch LMLM chưa qua 21 ngày. Trong đó nặng nhất là Sơn La, dịch đã xảy ra ở 45 xã thuộc 8 huyện với tổng số gia súc mắc bệnh là trên 5.000 con trâu bò, hơn 1.230 con trong đó tỉnh đã cho tiêu hủy 753 con trâu và gần 460 con lợn... |
Hữu Vinh (thực hiện)