Cả làng nghề vào việc tất bật, sản xuất hàng chục ngàn chiếc chiếu lác mang đậm hồn quê Nam Bộ, cung cấp cho thị trường vào dịp Tết đến, xuân về.
Theo các cụ cao niên, tuy không xác định được thời gian cụ thể, nhưng nghề dệt chiếu xã Định Yên đã hình thành từ trên 100 năm nay. Đến nay, nghề này vẫn tồn tại trong mỗi gia đình bởi nó mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong lúc nông nhàn và làng nghề này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2013.
Hàng ngày, nhiều ghe chở lác, nguyên liệu dệt chiếu từ khắp các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… cung cấp hàng chục tấn lác cho thợ dệt ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. |
Ngoài những hộ dệt truyền thống bằng khung dệt, tại xã Định Yên đã thành lập được một HTX và ba tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, thu hút hàng chục nghìn lao động nhàn rỗi ở địa phương và những vùng lân cận có việc làm có thu nhập ổn định. |
Hiện trên địa bàn xã Định Yên có 620 máy dệt chiếu, 62 máy may bìa chiếu, 2 máy se chỉ, 2 máy lau bóng sản phẩm với 3.731 hộ sinh sống bằng nghề dệt chiếu. Hàng năm, làng nghề sản xuất được khoảng 1,3 triệu chiếc chiếu các loại, với tổng doanh thu khoảng 80 tỷ đồng. |
Những chiếu ngày nay được may bìa để bảo đảm bền, đẹp. |
Công đoạn nhuộm màu lác rất phức tạp. Phẩm màu được pha với nước đun sôi, lọc bỏ cặn rồi nhúng sợi lác cho thấm đều khoảng 10 phút, rồi đem phơi nắng. |
Con đường liên ấp của xã Định Yên vào những ngày cuối năm rực rỡ hơn bởi màu sắc những bó lác được nhuộm đủ màu. |
Để có được một chiếc chiếu đẹp, khâu tuyển chọn lác rất quan trọng. |
Trước khi dệt, người thợ dệt phải rũ lác, đảo lác và mắc sợi tạo thành mặt sợi dọc trên khung dệt. Khi dệt chiếu thường có hai người, một người ngồi dệt dập khung dạo, một người chuồi sợi ngồi bên cạnh. Đây là quy trình dệt cơ bản đối với chiếu thông thường. |
Ngoài tiêu thụ trong nước, hiện nay chiếu Định Yên đang được xuất khẩu sang nhiều nước như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc... |