Lâm Đồng sẽ hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.813 căn nhà

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, đến ngày 30/9, toàn tỉnh đã triển khai xây mới và sửa chữa được 215/867 căn nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo (đạt 24,8% mục tiêu đặt ra trong năm 2024).

Giai đoạn 2024 - 2025, Lâm Đồng đặt mục tiêu hỗ trợ 1.813 căn nhà; trong đó xây mới 1.460 căn, sửa chữa 353 căn nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2024 địa phương sẽ hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa 867 căn; năm 2025 hoàn thành xây mới và sửa chữa 946 căn nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo

Trước đó, ngày 28/5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch về vận động nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025. Ngày 8/8/2024, UBND tỉnh có quyết định ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2025”.

Ông Phạm S cho biết sau khi triển khai quyết liệt, Chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Đến ngày 30/9, tổng số tiền đăng ký ủng hộ là hơn 45 tỷ đồng, hiện đã tiếp nhận 29,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, ở thành phố Đà Lạt không còn nhà tạm, nhà dột nát. Còn tại các huyện Đạ Huoai, Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc có thể tự đảm bảo được kinh phí do ít nhà tạm, nhà dột nát. 

Tuy nhiên, việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Một số hộ nghèo, hộ cận nghèo còn vướng thủ tục pháp lý về đất đai, một số hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa tiếp nhận kinh phí hỗ trợ, không có khả năng đối ứng kinh phí để xây mới nhà ở. Tiến độ triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở và giải ngân của một số địa phương còn chậm.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể là tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các sở, ban, ngành đa dạng  phương thức, hình thức, nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, bảo đảm hỗ trợ đúng định hướng, đúng đối tượng và định mức, theo thứ tự ưu tiên.

Các đơn vị chú trọng lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đề án, dự án của tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, gia đình để thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Địa phương huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy vai trò chủ thể của hộ gia đình trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát; bám sát, nắm thông tin từng nhà từ cấp cơ sở; thường xuyên vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ gia đình triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở; tăng cường kiểm tra, giám sát tại cấp cơ sở về công tác rà soát, thẩm định đối tượng hỗ trợ, lập hồ sơ nghiệm thu, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ bảo đảm đúng quy định, nhất là công tác nghiệm thu chất lượng nhà ở.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát
Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để huy động sức mạnh cộng đồng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát động “Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” nhằm xóa hơn 153.000 nhà tạm, dột nát nằm ngoài vốn ngân sách. Chương trình là bước tiếp nối phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN