Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và báo cáo kịp thời tình hình diễn biến phát sinh mới trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan và các xã, phường, thị trấn tiếp tục giám sát và thực hiện nghiêm các biện pháp, quy định về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đề phòng phát sinh ổ dịch mới, tái phát ổ dịch cũ; hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn tại địa phương.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 21/6/2019 đến ngày 22/3/2020. Đợt dịch này khiến trên 70.000 con lợn của 2.110 hộ ở 99 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố mắc bệnh. Tổng số lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy là 70.067 con, trọng lượng gần 4.539.000 kg.
Nhờ chủ động và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh Lâm Đồng là địa phương thứ 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Đáng chú ý, 2 huyện Đơn Dương và Lạc Dương không có lợn mắc bệnh.
Một số cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh không có lợn mắc bệnh thời gian qua vẫn tiếp tục duy trì và phát triển đàn lợn. Các cơ sở chăn nuôi có dịch đã qua 30 ngày cũng từng bước tái đàn theo lộ trình và đảm bảo thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy đã sớm nhận được kinh phí hỗ trợ để tái khôi phục sản xuất. Nhờ vậy, nguồn cung ứng thịt lợn không bị ảnh hưởng, ít gây biến động về giá cả trên thị trường.
Đến cuối năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát. Từ ngày 23/3 đến nay, toàn tỉnh không phát sinh lợn mắc bệnh, chết do bệnh dịch. Địa phương có lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy cuối cùng là xã Phi Liêng, huyện Đam Rông.
Ngày 28/4, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Đoàn công tác tiến hành kiểm tra, thẩm định các điều kiện công bố hết dịch theo quy định và có văn bản chấp thuận về việc công bố hết dịch tả lợn châu Phi.