Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử giải phóng dân tộc, đập tan chế độ Mỹ - ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Để chuẩn bị cho kế hoạch vào Sài Gòn, tạo bàn đạp cho cánh Đông của chiến dịch, quân ta tổ chức thành nhiều mũi tiến công. Trong đó chiến thắng của trận đánh mở đường tại thị trấn Dĩ An, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương) đã góp phần tạo nên thành công giải phóng Sài Gòn mùa Xuân năm 1975. Ông Lê Hữu Nghĩa, cựu chiến binh xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là một trong những chứng nhân lịch sử của trận đánh này. Sinh năm 1950, tròn 19 tuổi, ông lên đường nhập ngũ và được phân công công tác tại Tiểu đoàn 2 Sư đoàn 338, tham gia huấn luyện tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
Tháng 4/1970 có lệnh đi B, ông cùng đồng đội hành quân vào đến phía Nam tỉnh Quảng Bình, giáp Vĩnh Linh rồi dừng lại, tham gia chiến dịch đường 9 Khe Sanh Nam Lào, sau đó để nghi binh, đơn vị của ông được lệnh quay trở lại Quảng Trạch, Quảng Bình. Từ năm 1970 đến đầu năm 1975, ông công tác tại mặt trận Quảng Bình, tham gia làm đường 22 C từ Kỳ Anh - Hà Tĩnh vào đến Tuyên Hóa ở Quảng Bình.
Xe tăng của bộ đội Trường Sơn trên đường phố Sài Gòn sáng 30/4/1975. |
Khi bắt đầu chiến dịch mùa xuân năm 1975, ông Nghĩa là Đại đội trưởng Đại đội Sông Lam 11, cùng đồng đội được lệnh tham gia chi viện và phối hợp chiến đấu trong chiến dịch. Khoảng 4 giờ chiều 28/4/1975, Đại đội của ông được lệnh đánh cây cầu thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương), người dân địa phương thường gọi là cầu Dĩ An. Đây là đầu mối giao thông chính nối Biên Hòa và Sài Gòn, nằm cách trung tâm Sài Gòn hơn 30km, cây cầu có vị trí quan trọng bởi chiếm giữ được cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn theo hướng Đông Bắc, phối hợp với các cánh quân chủ lực khác.
Ông Nghĩa bồi hồi nhớ lại: Trận đánh cầu Dĩ An khi đó rất khó khăn, bởi anh em có khoảng 170 người nhưng phần lớn đã bị thương và hi sinh, chỉ còn 46 tay súng song may mắn là vũ khí còn khá đầy đủ. Đêm 28 rạng ngày 29/4, chúng tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch đánh cầu. Lúc này tôi chỉ huy anh em ém quân ở đầu cầu phía Bắc.
Tới 4 giờ sáng ngày 29/4, tôi nhận được lệnh nổ súng. Với phương châm nhanh, mạnh, tốc chiến tốc thắng, đến gần sáng quân ta đã làm chủ được cầu mà không bị thương vong thêm đáng kể. Song cản trở là hai phía đầu cầu vẫn còn 4 lô cốt của địch, số anh em còn lại chia ra thành 4 tiểu đội, mỗi tiểu đội từ 9 – 10 người phụ trách tiêu diệt một lô cốt.
Tận dụng lúc trời còn nhập nhoạng, các chiến sĩ ém quân chờ thời cơ, vừa di chuyển vừa phải cúi rạp người sát hai bên vệt đường để tránh gây sự chú ý của địch, sau đó xả súng bắn và lần lượt hạ được từng lô cốt. Sáng ngày 29/4, Đại đội đã hoàn toàn làm chủ được cầu và hai phía tả hữu, lập chốt giữ cầu để mở đường đợi quân ta tiến vào Sài Gòn.
Những kỷ niệm về tình đồng đội, tình quân dân những ngày chiến đấu ác liệt ông Nghĩa luôn nhớ mãi. Ông kể: Trong những ngày đánh giữ cầu, có bà má người địa phương ngày ngày mang cơm, khoai sắn và những gì gia đình má có tới để tiếp thêm cho bộ đội. Má nhìn nét chữ trên cuốn sổ của một chiến sĩ trong đại đội tôi mà mắt rưng rưng, cầm tay anh và khóc. Má nói má cũng có một người con đã đi bộ đội và hi sinh, má thương chúng tôi từ những điều giản dị: “Chữ các con đẹp quá, học giỏi thế này mà phải từ Bắc vào tận đây đánh giặc cứu nước”.
Ông cũng nhớ mãi người đồng đội tên Lê Thông Tạo – Trung đội trưởng, người quê Đông Sơn, Thanh Hóa, một bên tay và chân bị trúng đạn gần như đứt lìa, phải đưa về tuyến sau điều trị. Nhưng trước khi đi anh Tạo vẫn cố gượng dậy để động viên anh em ở lại chiến đấu, bằng mọi giá phải giữ được cầu, “phải chiến thắng”. Người chiến sĩ ấy đã mất ngay trong đêm khi trên đường đưa tới lán quân y.
Theo lời kể của ông Nghĩa, khoảng hơn 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, ông cùng đồng đội đang chốt giữ cầu thì nghe tin quân ta đã tiến được vào Dinh Độc lập, mọi người vô cùng phấn khởi, hò reo. Lúc này người qua lại trên cầu đã đông như mắc cửi, quân ta từ phía Đông Bắc tiếp tục hành quân vào, dân tị nạn từ hướng Sài Gòn chạy ra…
Song tất cả không làm lu mờ được không khí hân hoan của chiến sĩ, đồng bào, người dân đi kiếm lá cờ đỏ sao vàng hoặc tất cả những mảnh vải, tấm giấy có màu đỏ buộc lên xe, cầm trên tay chạy ra đường mừng chiến thắng. Trên gương mặt mọi người, ai ai cũng một nụ cười hạnh phúc rạng rỡ, nhiều người xa lạ vẫn tay bắt mặt mừng, ôm chặt lấy nhau như đã quen thân cùng chung niềm vui giải phóng.
Gần 40 năm đã trôi qua, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử, trên gương mặt của người lính già vẫn không giấu được vẻ xúc động. Xuất ngũ với hàm Trung úy, ông trở về với cuộc sống thường ngày, mang theo ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ của mình cùng đồng đội.
Với những đóng góp của mình, ông đã được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất. Đại thắng mùa xuân 1975 và trận đánh ấy sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức của ông và đồng đội, như một minh chứng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội và nhân dân Việt Nam.
Hiền Hạnh