Ký ức người chiến sĩ Điện Biên được Bác Hồ gắn Huân chương

Ở tuổi 85, mái tóc đã bạc phơ, nước da lấm tấm đồi mồi, nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm ở chiến trường, đôi mắt của đại tá Bạch Ngọc Giáp, nguyên Trung đội trưởng Trinh sát pháo binh Đại đội 806 (Trung đoàn 45, Đại đoàn 351) vẫn ánh lên nét tinh anh xen lẫn niềm tự hào. 65 năm trước, người chiến sĩ trinh sát pháo binh Điện Biên Phủ khi ấy 20 tuổi đã vinh dự được Bác Hồ gắn Huân chương trên ngực áo.

Chú thích ảnh
Đại tá Bạch Ngọc Giáp vẫn trân trọng gìn giữ bức ảnh ông đang giơ đang tay chào, chờ Bác Hồ gắn Huân chương như một báu vật. Ảnh: NVCC

Tự hào tham gia trận đánh mở màn

"Tôi đang chuẩn bị để sang tuần cùng đông đội thăm lại chiến trường xưa"- đại tá Bạch Ngọc Giáp nói, cẩn trọng nâng niu bộ quân phục, xếp vào hành lý. Ký ức hào hùng những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ùa về trong tâm tưởng vị đại tá quân đội từng trải qua hầu hết các chiến trường ác liệt.

"Cuối tháng 12/1953, đơn vị của tôi được lệnh di chuyển từ Tuyên Quang tới Điện Biên Phủ", đại tá Bạch Ngọc Giáp nhớ lại. "Hành trang" đi vào chiến dịch của đơn vị ông là 4 khẩu pháo 105 thu được của Pháp, trong đó có 2 khẩu thu được trong chiến dịch Đông Khê, Cao Bằng (năm 1950) và 2 khẩu trong chiến dịch Tây Bắc (năm 1952). "Với rất nhiều thành tích trong các chiến dịch lớn trước đó, chúng tôi vinh dự được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ giao nhiệm vụ bắn mở màn chiến dịch với trận đánh vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954"- từng diễn biến của trận mở màn vẫn hằn sâu trong ký ức người cựu chiến binh.

"Tôi phụ trách tổ trinh sát cùng bộ binh ngày đêm đi sát hàng rào để đào ngách quan sát cách địch khoảng 200 mét. Theo kế hoạch ban đầu, quân ta sẽ đồng loạt nổ súng vào 16 giờ chiều ngày 13/3/1954; nhưng mới khoảng 14 giờ địch đã ra phá giao thông hào bộ binh; vì vậy chúng tôi phải nổ súng sớm hơn. Lúc đó tôi đang ở hậu cứ của Trung đoàn Bộ binh 209 thì nhận được lệnh lên một quả đồi gần đó để quan sát, chuẩn bị sửa bắn cho pháo thủ. Sau đó, chúng tôi xuất kích theo giao thông hào của bộ binh. Chỉ huy có khẩu lệnh "nhường đường cho pháo binh", chúng tôi tiến vọt lên trên, vào sát đồn địch. Đến vị trí mới nhận được lệnh lùi giờ nổ súng lại 1 tiếng nên ẩn nấp để chờ. Đúng 17 giờ, quân ta tổng lực tấn công vào đồn địch. Lúc đó đạn, súng cối của địch bắn ra tới tấp, nhưng các chiến sĩ của ta vẫn chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm. Nhờ được pháo binh yểm trợ, Trung đoàn 209 - Sư đoàn 312 bộ binh đã chiếm được cứ điểm Him Lam, mở đầu chiến dịch với chiến thắng vang dội", đôi tay đại tá Bạch Ngọc Giáp nắm chặt, rắn rỏi như vẫn đang sống giữa những ngày lịch sử.

Trong trận Him Lam, ngoài nhiệm vụ quan sát, sửa bắn... chiến sĩ Bạch Ngọc Giáp còn là người gọi điện về đài chỉ huy để tường thuật trực tiếp tình hình từ khi quân ta xông lên đôn, giật bộc phá, phá hàng rào tiến công đến khi tiêu diệt được đồn địch, địch chạy ra như thế nào, cách nói năng của địch. trong khí thế phấn khởi, giữa tiếng pháo đạn giật ầm ầm.

Trận này đơn vị của chiến sĩ Bạch Ngọc Giáp không có thiệt hại gì về người, quân ta hoàn toàn chủ động các tình huống. "Ngay trong trận đánh, thấy đơn vị pháo binh chiến đấu giỏi quá, bắn trúng rất nhiều mục tiêu, có chiến sĩ bộ binh sướng quá, ngoi đầu lên khỏi hầm công sự hô to: "Pháo binh vạn tuế!" khiến tất cả như được tiếp thêm động lực. Hôm sau, khi chúng tôi về hầm của bộ binh, mọi người nói chuyện về pháo binh suốt cả buổi" - đại tá Bạch Ngọc Giáp hào hứng.

"Sau trận Him Lam khoảng 2 ngày, tôi trở về đài quan sát chính, khi xuống hầm nấu cơm của cấp dưỡng, gặp anh phó chính trị viên đại đội, anh vỗ vai tôi bảo: "Trận đánh Him Lam cậu được Huân chương đấy" và trao luôn tại chỗ khiến tôi rất bất ngờ, bởi trận đánh đó, đại đội chỉ có mình tôi vinh dự được nhận Huân chương Chiến sĩ hạng Ba", đại tá Bạch Ngọc Giáp nhớ lại.

Sau thắng lớn ở trận Him Lam, đơn vị của ông Bạch Ngọc Giáp lại tiếp tục được điều động phối hợp với bộ binh đánh tiếp các cứ điểm quan trọng như: Đồi D, cứ điểm 507, trận địa pháo binh 203 B và 307 B sát hầm Đờ Cát. Ông tiếp tục tham gia hầu hết các trận đánh ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ cho đến khi quân ta hoàn toàn thắng lợi vào ngày 7/5/1954. Kết thúc đợt I, Bộ Tổng tư lệnh giao cờ luân lưu Quyết chiến quyết thắng cho Đại đoàn Công pháo giữ, đại đội của ông được giao giữ lá cờ này. Chiều 7/5, ông cũng là một trong những người đâu tiên của đại đội pháo binh được đi cùng đồng chí Hoàng Cầm vào khu vực hầm Đờ Cát.

Khi chiến dịch kết thúc, đơn vị của ông Bạch Ngọc Giáp được cử đi dự Lễ chiến thắng tại Mường Phăng, sau đó, ngày 13/5 ông vinh dự là một trong 6 chiến sĩ nhận lệnh về An toàn khu Việt Bắc, báo công với Bác Hồ nhân dịp sinh nhật Người.

Trân trọng từng phút giây gặp Bác

"Đường sá khó khăn nên chúng tôi đến nơi thì đã qua sinh nhật Bác mấy ngày. Đồng chí Hoàng Văn Thái khi đó là Tổng tham mưu trưởng dẫn chúng tôi vào an toàn khu, tới trụ sở Trung ương Đảng nơi gần chỗ Bác ở để chờ gặp Bác. Một buổi sáng, đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi ấy chúng tôi gọi là anh Văn) ra báo Bác sắp ra. Anh Văn rút trong túi ra chiếc lược chải tóc cho từng chiến sĩ, vuốt cổ áo ngay ngắn cho chúng tôi như người anh cả trong gia đình chăm sóc các em, khiến ai nấy đều cảm kích"- nhắc đến Đại tướng, ông Bạch Ngọc Giáp không kiềm chế được xúc động, rơm rớm nước mắt.

"Trong lúc hồi hộp chờ Bác ra, chúng tôi bàn nhau khi gặp sẽ công kênh Bác lên để chúc mừng sinh nhật Người. Nhưng khi gặp Bác thì tất cả lại đều luống cuống, sự linh hoạt của Bác khiến anh em chiến sĩ chỉ biết Bác bảo gì thì làm theo"- ông Bạch Ngọc Giáp vui vẻ nhớ lại.

"Bác ân cần hỏi: "Các cháu đã được ngủ bù chưa?" khiến các chiến sĩ vừa từ mặt trận về cảm động xiết bao. Chứng tôi cảm động và ngẫm rằng không ai thương chiến sĩ như Bác Hồ, một người cha thấu hiểu, ân cần, quan tâm từ những thứ nhỏ nhặt nhất". Quả thực, trong 56 ngày đêm chiến dịch, các chiến sĩ chưa bao giờ có một đêm ngủ trọn vẹn vì phải thay phiên trực chiến.

"Thấy các chiến sĩ cứ rụt rè, hồi hộp khi ngồi nói chuyện, Bác đã xóa tan bầu không khí đó. Bác hỏi chúng tôi có mang theo huân chương không, khi tất cả bảo có thì Bác vui vẻ: "Bác cháu mình cùng nhau đóng kịch". Bác gọi 6 người chúng tôi lại để tự tay gắn huân chương cho từng người", đại tá Bạch Ngọc Giáp kể. Trong buổi hôm đó, có đoàn điện ảnh Xô Viết của đạo diễn Roman Carmen sang ghi lại những giờ phút lịch sử sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Cảnh Bác Hồ trao huân chương cho 6 chiến sĩ Điện Biên đã được ghi lại. Những bức ảnh ấy hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Đến giờ, đại tá Bạch Ngọc Giáp vẫn còn hồi hộp, tự hào mỗi khi nhìn bức hình Bác Hồ đang gắn huân chương cho các chiến sĩ, và ông đang đứng giơ tay chào Bác.

Sau lễ gắn huân chương, 6 chiến sĩ còn được dự bữa cơm cùng Bác Hồ chiêu đãi khách quốc tế. Cũng trong bữa cơm ấy, chiến sĩ Bạch Ngọc Giáp đã học được ở Bác rất nhiều về đức tính giản dị, tiết kiệm.

"Sau khi ăn xong, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh (người đã bắt sống tướng Đờ Cát) xin phép Bác đứng dậy thì thấy Bác nhẹ nhàng kéo tay bảo: "Cháu vét sạch bát đi đã" khiến ai cũng khâm phục tinh thần tiết kiệm đáng quý của một vị lãnh tụ.

Sau đó, Bác còn hỏi anh Vinh đã học được đến đâu rồi, anh trả lời mới biết đọc, biết viết. Nghe xong Bác dặn: "Cháu về phải tiếp tục học, phải học thì sau này chiến đấu, phục vụ mới tốt".

Lời dặn của Bác với đồng chí Hoàng Đăng Vinh cũng như với anh em chiến sĩ ngày hôm đó khiến ngưòi chiến sĩ trinh sát pháo binh khắc ghi mãi. Ông sau này đã tự học để tốt nghiệp được lớp 10, rồi đi học "lớp học ban đêm" tại khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp. Bốn năm miệt mài vừa làm nhiệm vụ vừa tranh thủ từng giờ để học, thậm chí ra thao trường cũng cắp quyển sách theo, hầu như không có ngày nghỉ.

"Việc cố gắng học tập theo lời Bác dạy đã giúp tôi làm việc, nhận định tình huống hết sức chín chắn trong công việc sau này. Kể cả các bức điện của anh em trong đơn vị tôi luôn tự tay sửa từ dấu chấm, dấu phảy", đại tá Bạch Ngọc Giáp chia sẻ.

"Thế hệ chúng tôi là vậy, trong khó khăn gian khổ vẫn chiến đấu kiên cường đã làm nên bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng. Còn hôm nay, với lớp trẻ sinh ra đủ đầy trong hòa bình, hạnh phúc tôi luôn có niềm tin mãnh liệt rằng với tài năng và truyền thống yêu nước các bạn sẽ còn làm được những điều tuyệt vời hơn nữa, sẽ sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc cần", người cựu chiến binh Điện Biên Phủ ân cần chia sẻ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tá Bạch Ngọc Giáp tiếp tục tham gia củng cố, phát triển Binh chủng Pháo binh; ông là cán bộ tham mưu trong cơ quan ở mặt trận Bình Trị Thiên và tham gia giải phóng Quảng Trị năm 1972; tham gia chiến đâu ở chiến trường Campuchia, cuộc chiến đâu bảo vệ biên giới phía Bắc... lập nhiều chiến công. Năm 1997, đại tá Bạch Ngọc Giáp về hưu với chức vụ Phó Tham mưu trưởng của Binh chủng Pháo binh, Bộ Tư lệnh Pháo binh.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Chìa khóa mở 'cánh cửa Điện Biên Phủ'   
Chìa khóa mở 'cánh cửa Điện Biên Phủ'   

40 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “...ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954 - T.G), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN