Trong không khí kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2017), chúng tôi gặp ông Hóa và đồng đội đang ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa giữ cho tuyến đường huyết mạch thông suốt, đảm bảo sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến.
Với chất giọng hào sảng ông Hóa kể, năm 1965 khi mới 21 tuổi, đang là công nhân của Hợp tác xã Cơ khí Tân Tiến (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực), nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông viết đơn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Thời kỳ này, theo yêu cầu của Quân khu Trị Thiên, Trung ương Đoàn thành lập một lực lượng Thanh niên xung phong mang mật danh Đội K53 trên cơ sở tuyển chọn thanh niên của 3 tỉnh gồm: Hà Tây (nay là Hà Nội), Nam Định và Ninh Bình (mỗi tỉnh một đại đội).
Ông Nguyễn Quang Hóa xem lại những bức ảnh chụp kỷ niệm cùng đồng đội tại chiến trường. |
Tháng 8/1965, Đại đội 1 Thanh niên xung phong Nam Định gồm 105 người do ông Hóa làm Đại đội trưởng đã lên đường vào khu vực Trị Thiên. Sau hơn một tháng hành quân, Đội K53 đã có mặt tại xã A Vao, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với nhiệm vụ làm công tác vận động thanh niên. Thời điểm đó, cuộc chiến đấu chống Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt.
Chiến trường Trị Thiên là một trong những trọng điểm bị bắn phá ác liệt. Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam, địch xây dựng hàng rào điện tử, cây nhiệt đới, máy cảm ứng, lập các cứ điểm từ phía đông sang phía tây như: Dốc Miếu, Tà Cơn, Khe Xanh…
Trước tình hình đó, cuối năm 1965, ông Hóa cùng đồng đội được giao nhiệm vụ ra huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị kết hợp với một số đơn vị mở một con đường vận chuyển bí mật song song với đường 559. Từ đây, toàn đội nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, thuốc men, đạn dược, đưa đón cán bộ từ Bắc vào Nam và chuyển thương binh từ Nam ra Bắc với địa bàn hoạt động từ nam sông Bến Hải đến bắc đèo Hải Vân.
Chỉnh lại chiếc áo bộ đội đã cũ màu, ông Hóa chậm rãi kể tiếp, vận chuyển hàng hóa quân lương trên cung đường trọng điểm bắn phá của địch vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt là sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường lực lượng, chiến trường Trị Thiên càng nóng bỏng hơn. Trên bầu trời không lúc nào vắng bóng trực thăng nên việc vận chuyển của đơn vị vô cùng khó khăn.
Đã có không ít đồng đội của ông hy sinh, có người bị thương, nhiều người bị địch bắt đày ra Nhà tù Phú Quốc. Dù vậy, với quyết tâm không để tiền tuyến thiếu vũ khí, thuốc men, đơn vị của ông đã phát động các phong trào thi đua “Đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm”, “Tăng cân, tăng tuyến”...
Từ việc vận chuyển 25kg hàng hóa mỗi người một chuyến, dần dần, khối lượng vận chuyển được nâng lên bình quân mỗi người từ 40 - 50kg/chuyến hàng. Trong thời gian làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, đơn vị của ông đã vận chuyển hơn 4.800 tấn hàng, đưa đón hàng trăm đoàn khách an toàn từ miền Bắc vào Nam và chuyển hàng nghìn thương binh từ các chiến trường ra Bắc điều trị.
Ông Hóa tâm sự, khó khăn chồng chất khó khăn, địch bắn phá ác liệt nhưng các thành viên trong đơn vị vẫn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không những thế, song song với nhiệm vụ vận chuyển, đơn vị K53 còn tham gia hỗ trợ các đơn vị chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyến đường vận chuyển. K53 được coi là đơn vị đặc biệt bởi không chỉ là đội thanh niên xung phong tham gia chiến đấu trực tiếp mà đơn vị còn lập nhiều chiến công trong các trận đánh tại Cam Lộ, Khe Xanh, Tà Cơn, A Lưới…
Ngày 21/9/1968, địch dùng trực thăng đưa một trung đội thám báo đổ bộ xuống cao điểm ở xã A Túc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), ông Hóa cùng 5 đồng chí được giao nhiệm vụ phục kích và đã tiêu diệt 20 tên địch, thu nhiều vũ khí quân tư trang. Cuối năm 1970, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, ông Hóa được điều động về công tác tại Ban Dân vận Khu ủy Trị Thiên làm công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đấu tranh, xây dựng phong trào thanh niên trong vùng địch tạm chiếm tại 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông kể hoạt động trong vùng địch tạm chiếm vô cùng khó khăn, nguy hiểm vì có thể bị địch phát hiện, tập kích bất cứ lúc nào. Để xây dựng được tổ chức đoàn thanh niên làm lực lượng nòng cốt tổ chức phong trào đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hi sinh. Chỉ tính riêng Đại đội 1 Nam Định đã có 53/105 đồng chí ngã xuống, nằm lại các chiến trường.
Năm 1975, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông xuất ngũ chuyển ngành về công tác trong ngành du lịch Nam Định. Sau khi nghỉ chế độ, ông tích cực tham gia công tác nghĩa tình đồng đội, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ông đã cùng các đồng đội phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực tìm kiếm thông tin liệt sĩ, đến nay đã tìm thấy 5 hài cốt liệt sĩ đưa về quê an táng. Ông Hóa chia sẻ, mình may mắn được trở về nhưng vẫn còn hàng chục đồng đội hi sinh chưa tìm thấy hài cốt. Do đó, nếu điều kiện sức khỏe cho phép, ông sẽ tiếp tục tham gia tìm kiếm hài cốt các đồng đội đưa về quê an táng.
Theo Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Nam Định Đặng Xuân Sinh, ông Nguyễn Quang Hóa là hội viên tiêu biểu, tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội, nhân đạo, từ thiện tại địa phương. Những người đã sống, chiến đấu trong những ngày tháng lịch sử của đất nước, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc như ông Hóa đã giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về giá trị của tự do, độc lập, từ đó nhận thấy trách nhiệm xã hội của mình để ra sức học tập, phấn đấu góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Với những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Quang Hóa đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Huân chương Chiến công hạng 3, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 3.