Cuộc chiến đánh Mỹ hạ Ngụy đã lùi xa 40 năm. Nhưng khi trở lại thăm căn cứ địa Tây Ninh, những cảm xúc cũ cứ ùa về, khiến tôi không khỏi bồi hồi xúc động nhớ về bao kỷ niệm khó quên.
Để có được những bức ảnh đẹp, những bản tin mang tính thời sự nóng hổi phản ánh rõ nét cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước hào hùng là sự góp công bằng cả máu và nước mắt của biết bao cán bộ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Và một phần trong đó là những công sức không nhỏ của những người làm công tác kỹ thuật.
Gần 20 năm làm việc tại Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, trong đó hơn 3 năm công tác tại B81 - Cục Kỹ thuật thuộc TTX Giải phóng, tôi đã có biết bao kỷ niệm vui buồn. Trong đó, mảng ký ức đáng nhớ nhất có lẽ là khi tôi ở vai trò của một kỹ thuật viên tham gia công tác chiến trường B2 khốc liệt. Trong suốt quá trình hành quân theo đoàn quân kháng chiến, có 2 kỷ niệm mà tôi luôn muốn chia sẻ cùng con cháu, và những đồng nghiệp vào sinh ra tử. Đó là 2 kỷ niệm tôi không thể quên!
Kỷ niệm đầu tiên là khi được trở thành một trong những người trực tiếp phát bức ảnh về Đại úy - Điệp viên của ta trong hàng ngũ địch, anh Nguyễn Thành Trung. Anh Trung chính là người lái máy bay ném bom vào dinh Độc Lập trong ngày 8/4/1975 rồi bay ra và hạ cánh an toàn tại sân bay Phước Long. Đó là sự kiện gây chấn động quân địch và khích lệ khí thế chiến đấu của quân ta.
Khi ấy, Bộ Biên tập đã ra chỉ thị, trong đó trực tiếp là cố Tổng Biên tập Đào Tùng ra nhiệm vụ: “Bằng bất cứ giá nào cũng phải phát được bức ảnh lịch sử này ra Bắc càng sớm càng tốt”! Nhận mệnh lệnh, đồng chí Phạm Lộc chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp tổ chúng tôi. Anh Lộc là cán bộ của Cục Kỹ Thuật vào cùng với cố Tổng Biên tập Đào Tùng. Anh cũng là người thầy của chúng tôi ở đài thu phát T6, sau này anh Lộc đảm nhiệm vai trò Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật Thông tấn.
Tổ telephoto chúng tôi có 5 anh em do đồng chí Văn Văn Quý làm tổ trưởng. Khi nhận lệnh, chúng tôi phải đối mặt với khó khăn khôn lường, khi ở thời điểm có lệnh phát bức ảnh đó thì anh Quý và anh Vượng (cùng tổ) đang ở ngoài rẫy đường biên, anh Đỗ Thanh Chất thì đi công tác phong trào (3 cùng). Chỉ còn lại tôi và anh Chu Văn Biện (nay đã mất) thực thi nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của anh Phạm Lộc.
Đầu tiên, chúng tôi phải đi tìm địa điểm căng ăngten. Ở đó tuy rừng nhiều cây thật nhưng để tìm được một chỗ an toàn và đạt yêu cầu để căng ăngten thì quả là việc rất khó, gần cứ thì sợ địch phát hiện, căng cao cũng sợ lộ mục tiêu, không an toàn cho toàn cứ. Phải mất rất nhiều thời gian lựa chọn, leo lên, tụt xuống thì chúng tôi mới căn chỉnh đạt theo yêu cầu để phát tin.
Sau đó chúng tôi còn phải sửa chữa lại hầm cho chắc chắn mới được bật máy phát. Khi bắt tay vào công việc, cứ 30 phút đến 1 tiếng là anh Lộc lại chạy ra xem có trục trặc gì không. Anh không quên nhắc nhở chúng tôi: “Các cậu phải ngồi dưới hầm phát tin, khi nào có điện ở Hà Nội xác nhận là đã nhận được, các cậu mới được rời máy, rời hầm đấy!”.
Cứ như vậy, chúng tôi “bám trụ” suốt 3 ngày 3 đêm phát tin trong hầm.
Và chỉ khi thấy anh Lộc chạy ra thông báo rằng Hà Nội đã nhận được ảnh, rồi các báo, đài ở Hà Nội đã đồng loạt đăng bức ảnh lịch sử này, thì niềm vui trong chúng tôi vỡ òa. Tất cả ôm chầm lấy nhau sung sướng.
Thật vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ, xen lẫn một chút tự hào bởi đã góp phần đưa bức ảnh quan trọng báo tin vui ra Bắc. Và tôi nhớ là nhờ thành tích đó mà chúng tôi được thưởng thuốc lá Điện Biên cùng một ấm trà Thái Nguyên. Không hiểu sao, rít từng điếu thuốc lá ấy, nhấp từng ngụm trà ấy, chúng tôi thấy đậm đà, ngon khó quên đến vậy.
Bên cạnh đó, kỷ niệm thứ hai mà tôi cũng không bao giờ quên, là vào ngày chúng tôi có lệnh rời cứ để bám sát trận đánh lịch sử của quân ta. Đây là thời khắc chuẩn bị cho cuộc tấn công cuối cùng tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng trong thời gian đó, ở phía Tây Nam, bọn Khmer Đỏ lợi dụng tình thế đã cho quân áp sát đường biên giới nước ta với mưu đồ xâm lược.
Lệnh của cấp trên là bất cứ giá nào cũng phải nhanh chóng sơ tán hết mọi người, trong đó, người già, trẻ em và các phương tiện vật tư thiết yếu đi trước, chỉ để lại một lực lượng nhỏ ở lại thu dọn đồ đạc, thiết bị còn lại, thu gom lương thực, thực phẩm và tiêu hủy những máy móc, thiết bị không thể di dời, tránh rơi vào tay địch.
Lúc đó, tôi là Bí thư chi đoàn thanh niên B81 cùng với anh Trường Kỳ phụ trách kho và một số anh em bảo vệ và nhà ăn là những người ở lại sau cùng. Chúng tôi có 2 ngày để thu gom, phân loại các trang thiết bị, vật tư quan trọng cho lên xe tải, còn lại những trang thiết bị hỏng và không thể mang theo hoặc những trang thiết bị hết hạn sử dụng, chúng tôi dồn vào một chỗ rồi cài lựu đạn, bộc phá để chuẩn bị tiêu hủy.
Xong xuôi, chúng tôi nhanh chóng làm nhiệm vụ thứ hai là thu gom lương thực và thực phẩm. Công việc này rất khó khăn vì gạo trong kho chỉ còn ít, sắn thì vẫn còn ở ngoài rẫy chưa thu hoạch, lại bị bọn Ponpot chiếm mất. Số lợn, gà mà chúng tôi nuôi ở cứ cũng còn rất nhiều, phải khoảng 60 - 70 con, nhưng nuôi thả rông trong rừng. Khi cho chúng ăn thì chúng tôi hay gõ kẻng gọi về cho ăn. Nhưng trong hoàn cảnh này, nếu gõ kẻng thì bọn thám báo địch sẽ phát hiện và nã pháo vào là chết liền.
Chúng tôi quyết định nấu một nồi thức ăn thật to rồi phân chia nhau vào rừng tìm chúng, lùa về chỗ hay cho chúng ăn. Thời gian ngày càng gấp vì chúng tôi chỉ được phép ở lại đến 5 giờ chiều là phải rời cứ. Đến khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi ra đếm thấy được gần 30 con lợn đã về ăn cám và một số con gà. Khi ấy, mấy anh em nhìn nhau mà băn khoăn, bởi dùng tay để bắt thì chỉ được vài ba con là cùng.
Chợt tôi có quyết định “khó tưởng”, là lắp một băng đạn AK rồi lia một tràng vào đàn lợn, gà. Khi nhìn thấy chúng ngã xuống chết và bị thương, máu phun dưới mặt đất mà lòng quặn đau, day dứt, cảm thấy mình như một tay sát thủ máu lạnh, độc ác. Nhưng vì cuộc chiến vẫn còn dài và nghĩ đến mọi người sẽ không có đủ lương thực, thực phẩm nên tôi đã phải làm điều mà mình không hề muốn.
Xong công việc khó khăn, tôi và anh em nhanh chóng bốc số lợn và gà lên xe rời cứ. Trước khi xe chuyển bánh, chúng tôi không quên nhiệm vụ quan trọng cuối cùng là châm nụ xòe dây cháy chậm và giật bộc phá.
Khi xe chạy được một quãng thì những tiếng nổ vang rền xé toang sự tĩnh mịch của chiều tà, một vầng lửa cháy sáng bốc cao một góc rừng. Tất cả chúng tôi đều ngoái lại, những nỗi buồn vui lẫn lộn khi phải xa cứ chợt ùa về, bởi phải chia tay nơi đã gắn bó với chúng tôi hơn hai năm với biết bao kỷ niệm vui, buồn, gắn bó. Khi ấy, nhớ về những cơn sốt rừng lạnh buốt xương mà mắt cay xè…
Thôi nhé! Chào Cứ thân yêu! Chúng tôi phải đi đây, để kịp hòa chung với đại quân tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!
Hẹn một ngày chúng tôi sẽ trở lại!
Tháng 4/2015