Vào khoảng cuối tháng 11/1993, tôi lên huyện vùng cao Mai Châu (Hoà Bình) công tác. Buổi chiều, tôi gặp ông Sùng A Lứ, lúc đó đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐND huyện. Tôi ngỏ ý tìm hiểu thông tin về mảnh đất Pà Cò quê hương ông để viết bài.
Ông bảo: Nhà báo, mày phải lên tận nơi, mắt thấy, tay sờ thì viết mới đúng chứ… Tôi băn khoăn vì chưa biết đường đất đi thế nào, ông Lứ bảo: Mày yên chí, hết giờ làm việc tao đưa mày về quê, ngủ một tối ở bản Mông xem nó khác cái nhà hộp thế nào nhé!
Đúng là “được lời như cởi tấm lòng”, tôi phấn khởi theo ông lên đường tác nghiệp. Ông đi chiếc xe máy Simsơn màu xanh (Cộng hoà dân chủ Đức sản xuất), còn tôi thì cưỡi chiếc Simsơn trắng. Từ phố Vãng- thị trấn huyện lỵ Mai Châu ra ngã ba Tòng Đậu rồi ngược quốc lộ 6, đường đi khá tốt; nhưng mấy cây số đường rẽ vào Pà Cò thì thật khủng khiếp, dốc cao, lổn nhổn đá gan gà- vậy mà ông Lứ phóng xe lạng lách rất nhanh, tôi đuổi theo toát mồ hôi mới theo kịp.
Đến nhà ông ở bản Pà Cò Lớn thì trời đã sẩm tối, sương mù lan tỏa, đúng lúc con trai ông đánh chiếc xe tải cũ nát về đậu trước nhà. Tranh thủ lúc gia đình chuẩn bị cơm nước, tôi lấy bút, sổ “làm việc” với ông ngay bên bếp lửa.
Ông nói: Phóng viên, nhà báo ghi chép gì thì ghi, nhưng phải nói trúng cái bụng đồng bào nhé. Dân Pà Cò mình nghe lời Đảng, Chính phủ nhổ hết cây thuốc phiện rồi, bây giờ trồng cây mơ, cây mận thay thế không biết có nở ra tiền không.
Cấp trên bảo sẽ đầu tư nhiều tỷ đồng cho Hang Kia- Pà Cò để làm đường, điện, trường học, bể nước... huyện, xã phổ biến đến dân rồi, ai cũng thít (thích), nhưng mình cũng bảo cái Chính phủ không được hứa suông đâu nhé. Với người vùng cao, thất hứa một lần thì sau khó tuyên truyền, vận động lắm. Chia sẻ tâm tư, nỗi niềm của ông, tôi hứa sẽ phản ánh đúng nguyện vọng của bà con.
Bữa cơm tối được bày ra khá muộn, vì gia chủ bắt hẳn con lợn hơn chục cân mổ đãi khách. Không hiểu do đói hay vì được ăn món đặc sản vùng cao nên tôi có một bữa ăn ngon nhớ đời; thịt lợn luộc có mỡ nhưng ăn không ngấy, lại có món xôi nếp nương dẻo thơm lót dạ nên rượu uống hết chén này sang chén khác mà không say.
May mắn nhất là sau khi cơm rượu xong, tôi thấy bà con trong bản lũ lượt đến nhà ông. Thì ra, hôm đó có một sự kiện trọng đại ở Pà Cò, lần đầu tiên bà con người Mông ở xứ sở sương mù này được xem tivi. Được huyện cấp cho chiếc tivi đen trắng, nhưng chưa có điện lưới - ông Sùng A Lứ dùng chiếc bình ắc quy xe tải để chạy tivi; chiếc ăng ten giàn xoay đủ hướng mới bắt được sóng của Đài Phát sóng Tam Đảo.
Hình ảnh tuy nhiễu, bà con người Mông lại không hiểu tiếng phát thanh viên nhưng ai nấy đều dán mắt vào màn hình nhỏ mà trầm trồ, xuýt xoa... Ông Lứ hồ hởi khoe: Ứ dà, cái tiếng, cái hình của Chính phủ đến với người Mông ta rồi đấy, tài thật, giỏi thật.
Đêm ấy ở Pà Cò, tôi được ngủ trên tấm phản gỗ, cuộn tròn thân hình trong tấm chăn chiên, tuy hơi lạnh nhưng rồi cũng thiếp đi. Sáng ra, tôi tranh thủ đi dạo quanh bản chụp vài tấm hình, hoa mơ, hoa đào nở bung khắp vườn nom thật quyến rũ.
Lúc chia tay, trước khi tôi cưỡi “con ngựa sắt” đi Lai Châu thăm vợ con, ông Sùng A Lứ còn dúi vào tay tôi một bọc xôi to và thịt lợn luộc gói bằng lá chuối, ông bảo: Nhà báo, mày mang đi ăn đường cho ấm cái bụng nhé. Tôi ngây người, cảm động trước tấm lòng hiếu khách, chân chất của ông mà không thốt nổi lời cảm tạ. Sau đó, tôi có bài viết dài trên Báo Tuần Tin Tức “Pà Cò- Đoạn tuyệt mùa hoa Anh túc”, như một món quà nhỏ tri ân với Sùng A Lứ - cây đại thụ ở vùng cao Pà Cò.