Trận đánh đuổi tàu Maddox và máy bay của Mỹ diễn ra vào ngày 2 và 5/8/1964 cách đây đã 50 năm, song đối với những người từng góp mặt trong những trận đối đầu lịch sử ấy thì câu chuyện dường như vừa mới xảy ra hôm qua.
Ở tuổi 72, cựu chiến binh Bùi Vĩnh Bảo, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng cùng đồng đội kiên cường bám tàu chiến đấu lập nên chiến công hiển hách đánh thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam.
Trong ngôi nhà nhỏ ở đường Lý Thái Tổ, phường Thanh Bình, bên ly trà nóng, với chất giọng hào sảng, ông Bảo say sưa kể: Năm 1962, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 9 tháng huấn luyện, Bùi Vĩnh Bảo được giao nhiệm vụ làm quân sĩ cờ tay trên tàu T-336 thuộc Phân đội 3 (gồm 3 tàu phóng lôi T-333, T-336 và T-339), Tiểu đoàn 135 đóng tại cảng Vạn Hoa (tỉnh Quảng Ninh).
Đêm 1/8/1964, khi đơn vị đang diễn tập chiến đấu trên biển thì nhận được lệnh gấp rút về cảng Vạn Hoa để hành quân đến đảo Hòn Mê (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Khi gần về tới điểm tập kết thì radar phát hiện tàu Maddox của địch ở khoảng cách 40 hải lý. Gần 14 giờ ngày 2/8, phân đội 3 được lệnh xuất kích, đồng thời tăng tốc để tiêu diệt mục tiêu.
Thấy tàu phóng lôi của ta tiến gần, tàu địch với nhiều vũ khí tối tân, cộng với sự yểm trợ của 8 máy bay F4 đánh trả quyết liệt. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức cam go. Cán bộ, chiến sỹ vẫn kiên cường bám tàu, anh dũng chiến đấu, tiêu diệt 1 máy bay và bắn "bị thương" một máy bay khác của địch, buộc tàu Maddox phải rút khỏi vùng biển Việt Nam.
Trận này, phân đội 3 có bốn chiến sĩ hi sinh và sáu chiến sĩ khác bị thương. Tàu T-339 bị hỏng máy, sau khi được sửa chữa đã trở về đơn vị. Hai tàu T-333 và T-336 sau khi cập bến khu vực bãi tắm Sầm Sơn (Thanh Hóa) đưa các liệt sĩ, thương binh lên bờ thì nhận lệnh trở lại cảng Vạn Hoa.
Trưa 5/8, khi tàu đến vùng biển Lạch Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thì phát hiện có 2 tốp máy bay gồm 6 chiếc đang tiến gần. Một lát sau, máy bay địch lao tới trút bom xuống vùng biển này và liên tục tấn công tàu của ta bằng hỏa lực mạnh. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu T-333 và T-336 vẫn vững tay súng. Một số đồng chí dù bị thương nhưng sau khi được băng bó vẫn tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu.
Sau 5 tiếng đồng hồ, lực lượng của ta đã bẻ gãy hoàn toàn các đợt công kích bằng máy bay của địch. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Phân đội 3, Tiểu đoàn 135 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Chiến sĩ Bùi Vĩnh Bảo được nhận Bằng khen của đơn vị.
Công tác tại đơn vị một thời gian, năm 1965, ông Bảo được cử đi học nghiệp vụ thông tin tại Trường sĩ quan Hải quân. Kết thúc khóa học với thành tích xuất sắc, ông tiếp tục được cử đi học về vô tuyến điện tại Học viện kỹ thuật Ba Lan. Năm 1974, tốt nghiệp về nước, ông Bảo được điều về Trung đoàn 276, Sư đoàn 365 Quân chủng Phòng không - Không quân.
Năm 1979, trước nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, Đại úy Bùi Vĩnh Bảo, khi đó là trợ lý kĩ thuật cùng trung đoàn đã hành quân lên cắm chốt tại Lạng Sơn. Năm 1985, ông về công tác tại đơn vị, 3 năm sau thì nghỉ chế độ.
Trở về cuộc sống đời thường, người cựu chiến binh ấy vẫn phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Cùng với việc nỗ lực ổn định kinh tế gia đình, nuôi dạy các con ăn học nên người, ông Bảo còn nhiệt tình tham gia công tác tại các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, tích cực vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên góp mặt trong các cuộc gặp gỡ, kể chuyện lịch sử tại các trường học trên địa bàn.
Từ những câu chuyện của người lính già, hình ảnh về những tràng trai, cô gái mười tám đôi mươi sẵn sàng xung phong ra trận với tinh thần quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để giữ vững độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, mang lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân được tái hiện một cách sinh động.
Đây là những bài học quý, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, đồng thời giúp thế hệ trẻ thấy được trách nhiệm xã hội của mình, từ đó nỗ lực học tập, rèn luyện, góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Vũ Văn Đạt