Kinh nghiệm ứng cứu sự cố khẩn cấp đường ống khí

Chiều 12/9, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (NCSP) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế xử lý thông tin phối hợp ứng cứu sự cố khẩn cấp đường ống khí ngoài biển với sự tham dự của đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Khí, các chủ dây chuyền khí, đơn vị chuyên môn về ứng cứu sự cố tràn dầu, cơ quan chức năng liên quan đóng tại địa bàn và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Tại hội thảo, nhiều vấn đề thông tin từ sự cố thực tế được đưa ra cho thấy mức độ đặc biệt nghiêm trọng nếu sự cố xảy ra cũng như sự lúng túng trong phối hợp, xử lý cho thấy yêu cầu phải hoàn thiện phương án ứng cứu cũng như phân rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan là rất quan trọng. Cụ thể, theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III, hiện mới có quy định, phương án về ứng cứu sự cố tràn dầu nhưng thực tế lại rò rỉ khí và condensate nên hoàn toàn bất ngờ, lúng túng cho các đơn vị liên quan tham gia vì chưa có phương án. Còn theo Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn, việc nhận định, đánh giá mức độ nguy hiểm sự cố của các cơ quan phối hợp, chỉ đạo cũng là một vấn đề (vì có nơi cho rằng sự cố chưa tới mức nghiêm trọng, chưa xảy ra cháy nổ lớn) nên điều động lực lượng, huy động phương tiện có thể không đáp ứng đủ yêu cầu. Đại diện của Công ty Rosneft (Nga) cho rằng chưa rõ vai trò tổng chỉ huy chung cho sự cố trong việc huy động các cơ quan, đơn vị tham gia và công tác phối hợp, chỉ đạo khá phức tạp làm chậm việc xử lý sự cố…

 

Theo Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn, đường ống khí Nam Côn Sơn cấp khí cho các nhà máy điện tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia. Nếu hệ thống khí Nam Côn Sơn dừng, các nhà máy điện trên sẽ phải chuyển sang chạy bằng dầu DO thay thế và mỗi ngày thiệt hại so với chạy bằng khí là 400 tỉ đồng vào mùa khô, 200 tỉ đồng vào mùa mưa. Còn nếu dừng đột ngột, các nhà máy điện không kịp chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế có thể dẫn tới hiện tượng sụt giảm áp và rã lưới điện quốc gia, thiệt hại không thể đo đếm được. Vì vậy, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống vận chuyển khí Nam Côn Sơn là nhiệm vụ rất quan trọng.

 

Trước đó, ngày 9/9, Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức buổi diễn tập xử lý thông tin ứng cứu sự cố rò rỉ khí đường ống khí trên biển. Tình huống diễn tập được thiết kế là sự cố rò rỉ khí tại cụm kết nối đường ống KP.75 ngoài khơi, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300 km. Đây là “Sự cố tràn dầu cấp 1.C (tức cấp cơ sở) có sự chỉ đạo và phối hợp của UBND tỉnh” và thực tế, sự cố này đã từng xảy ra ngày 23/8/2013 tại KP.75, trên phần đường ống của mỏ Chim Sáo.

 

Mạnh Dương

Hợp tác quốc tế trong hoạt động dầu khí
Hợp tác quốc tế trong hoạt động dầu khí

Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẳng định, Tập đoàn đã, đang và sẽ hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí nước ngoài để thăm dò, khai thác dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN