Kiến trúc xanh, đâu phải là “thời thượng”

Dù khái niệm kiến trúc xanh đã được biết đến ở Việt Nam nhiều năm qua, dù Hội KTS Việt Nam đã “định danh” cho kiến trúc xanh bằng một giải thưởng mang tên “Công trình Kiến trúc xanh Việt Nam” hằng năm và đã “cụ thể hóa” kiến trúc xanh bằng những tiêu chí rất sáng rõ… nhưng cũng không có gì ngạc nhiên khi nhiều KTS vẫn coi kiến trúc xanh chỉ là thứ “thời thượng”.

Không gian cộng đồng ở Hà Tĩnh là công trình dịch vụ dành cho mọi người đoạt giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam năm 2013 - 2014.

Lý do: Hiện cũng chưa nhiều KTS có ý thức áp dụng khái niệm “kiến trúc xanh” vào trong những tác phẩm của mình; cũng không nhiều chủ đầu tư quan tâm đến yếu tố xanh trong không gian của mình. Đơn giản là tận dụng cho hết “tấc đất tấc vàng”, đơn giản là làm cho đẹp mà quên đi những vấn đề của nguồn nhiên liệu, hiệu ứng nhà kính, không gian sống…


Vậy nên, giải thưởng “Công trình Kiến trúc xanh” dù mỗi năm đều đã tăng thêm số lượng tác phẩm dự thi, dù nhiều công trình xây dựng lớn đều đã đặt vấn đề xanh như một tiêu chí để “khẳng định thương hiệu”, dù rất nhiều công trình sau khi giành được giải thưởng kiến trúc xanh đã có mức khai thác tăng tới 20% như một resort ở Đà Lạt; nhưng cũng không ít người cho rằng khái niệm “xanh” này cũng chỉ giống như một “cái mác” dán thêm cho công trình, đang được “sính” lúc này, nhưng chẳng thể là khái niệm bền lâu và thậm chí là mãi mãi trong đời sống kiến trúc được.


Tất nhiên, điều này được ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam phủ nhận. Mới đây nhất, trong lễ trao giải thưởng cho các công trình Kiến trúc xanh năm 2013 (diễn ra tháng 4/2014, tại Hà Nội), ông Vạn vẫn khẳng định: “Có người dùng khái niệm kiến trúc xanh để đánh bóng tên tuổi, nhưng với chúng tôi, kiến trúc xanh là thực chất để hướng tới. Bởi lẽ, kiến trúc xanh đó là một kiến trúc thân thiện với môi trường, tiết kiệm được tài nguyên, đất đai, năng lượng... Như vậy thì hoàn toàn là thực chất và vì con người, sao có thể chỉ là thời thượng được!”.


Tuy nhiên, cũng theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, kiến trúc xanh phải hướng tới tương lai, chứ không phải là “đi lùi lại”. Không phải cứ nhà tranh, mái gianh, có sân vườn, ao cá... mới là kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh, đôi khi rất đơn giản: Đó là thân thiện với môi trường và vì con người - những người sống ở trong môi trường kiến trúc ấy. Nói đơn giản, là “xanh” phải đi cùng với “nhân văn”. “Mỗi KTS khi thiết kế công trình phải nghĩ đến việc mình thiết kế cho ai? Ai sẽ sống trong môi trường ấy. Dù có thể là công trình có nhiều không gian xanh, đạt tiêu chí này, tiêu chí kia, nhưng khi xây dựng xong lại bị người dân phản đối thì cũng không thể gọi là “xanh” được”, một đại diện Hội KTS Việt Nam chia sẻ.

 

Cadasa Đà Lạt.


Có lẽ vì thế mà các công trình giành giải “Công trình Kiến trúc xanh Việt Nam” năm 2013 (gồm 8 giải thưởng “Công trình Kiến trúc xanh Việt Nam” và 2 giải thưởng “Hội đồng”), đều hướng tới con người và phục vụ con người. 8 “Công trình Kiến trúc xanh Việt Nam” năm 2013 gồm: Khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Mulberry Lane của Công ty TNHH CapitalLand Hoàng Thành (do Công ty TNHH Kiến trúc QH công trình RSP Việt Nam thiết kế); Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Đặng Xá II của Tổng công ty Viglacera; Stone House của ông Đinh Hoàng Liên, Quảng Ninh; Nhà hàng tiệc cưới Đông Dương của Công ty CP Trường Long Kontum (đều do Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa thiết kế); CADASA Resort Đà Lạt của Công ty CADASA thành phố Đà Lạt (do KTS Cao Thành Nghiệp thiết kế); trụ sở làm việc văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng (do Công ty TNHH thiết kế - xây dựng SQ thiết kế); Nine 9 Spa của Khu du lịch suối khoáng nóng Nha Trang (do Công ty TNHH tư vấn kiến trúc Hai Mươi Mốt và KTS Nguyễn Hòa Hiệp thiết kế); Chung cư mỏng- Tuta Center của Công ty CP thương mại Tuấn Mai thành phố Bắc Giang (do Công ty 1+1>2 và KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế).


Trong số 8 giải thưởng, như thường lệ, có tới 2/8 công trình là “sản phẩm” của Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa. KTS Võ Trọng Nghĩa được đánh giá là một trong những KTS đi tiên phong trong lĩnh vực kiến trúc xanh ở Việt Nam, các công trình của anh, dù ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, đều hướng tới thân thiện với môi trường và phục vụ cho những người sinh sống tại đó. Lần này, trong số 2 công trình của Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa đạt giải, có công trình Stone House còn gây tranh luận trong ngay giới KTS. Một số người cho rằng chất liệu đá tảng dùng để làm ngôi nhà này không thể coi là thân thiện với môi trường được. Tuy nhiên, như chia sẻ của KTS Nguyễn Tấn Vạn, kiến trúc xanh có nhiều tiêu chí để đánh giá như môi trường sống, không gian bên trong, vật liệu xây dựng... và không phải mỗi công trình đều phải đạt đủ các tiêu chí này mới có thể được tôn vinh là “xanh”. Với Stone House, công trình đã sử dụng vật liệu thiên nhiên, vật liệu không nung... thân thiện với môi trường.


Với hai công trình nhà ở: Khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Mulberry Lane của Công ty TNHH CapitalLand Hoàng Thành (do Công ty TNHH Kiến trúc QH công trình RSP Việt Nam thiết kế) và Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Đặng Xá II của Tổng công ty Viglacera; thì dường như sự tôn vinh được “thuyết phục”. Hai công trình này, một là nhà ở cao cấp, một là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng đều được đánh giá cao về giải pháp quy hoạch, nội dung đầu tư, giải pháp kỹ thuật và cảnh quan môi trường của dự án. “Cả hai dự án này đều đã quan tâm đến nhu cầu sống của con người, dù với khu nhà ở Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Nội) hay khu nhà ở cho người có thu nhập thấp ở Đặng Xá II.

 

Đáng biểu dương nhất là công trình nhà ở Đặng Xá II, dù là dành cho đối tượng người thu nhập thấp, nhưng đơn vị thiết kế và chủ đầu tư đã thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với những người dân, nghĩ tới việc tạo điều kiện thuận lợi, tiện nghi cho người dân sinh sống ở nơi đây. Đây thật sự là điều đáng ghi nhận”, KTS Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ.


Cũng trong danh sách các công trình được trao giải Kiến trúc xanh lần này, lần đầu tiên xuất hiện một “cơ quan công quyền”: Trụ sở làm việc văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng. “Lần đầu tiên chủ đầu tư cũng như đơn vị thiết kế đã thể hiện thái độ đúng mực khi xây dựng trụ sở này và đã xây dựng trụ sở như một ngôi nhà thân thiện với thiên nhiên và con người, làm cho một trụ sở của Đảng trở nên bình dị, đẹp, dân tộc, gần gũi với nhân dân, giúp nhân dân có thể tiếp cận dễ dàng. Đây là một thái độ rất nhân văn và vì vậy Hội đồng hoàn toàn nhất trí khi quyết định trao giải cho công trình này”, KTS Nguyễn Tấn Vạn đánh giá.


Khép lại giải thưởng Kiến trúc xanh năm 2013, thêm 10 công trình đã được tôn vinh vì yếu tố “xanh” của mình. Góp mặt cùng những công trình đã được trao giải “xanh” trước đó, tạo thành “vườn xanh” của kiến trúc Việt Nam, nơi khái niệm xanh không còn xa xôi, cũng không “mơ hồ” hay thời thượng, mà trở thành một điều tất yếu, một tiêu chí để công trình có thể được mọi người lựa chọn. Thế nên, như KTS Nguyễn Tấn Vạn khẳng định: Kiến trúc xanh sẽ vẫn tiếp tục là mục tiêu của kiến trúc Việt Nam, trong hành trình hướng tới với một nền kiến trúc hiện đại, bền vững.

 

P.T

Xây dựng bền vững từ kiến trúc xanh

Chiều 23/9 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Xây dựng bền vững” với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Hội Kiến trúc sư thành phố, gần 200 chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN