Hội thảo do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/10.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, do lượng phương tiện ra vào lớn nên tình trạng ùn ứ tại cổng trường vào giờ đến trường và tan trường vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường các lực lượng chức năng trong việc hướng dẫn, điều tiết giao thông nên tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ tan học luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân TP Hồ Chí Minh khi đi qua những con đường này. |
Phân tích về tình trạng kẹt xe trước cổng trường học, nhiều đại biểu chỉ ra rằng, nguyên nhân chính là do sự phát triển của các phương tiện giao thông quá nhanh; hệ thống giao thông công cộng yếu kém nên chưa tổ chức được mô hình đưa đón học sinh thông qua phương tiện đưa đón; trường chưa xây dựng được căn tin sạch đẹp an toàn trong khuôn viên nhà trường nên học sinh vẫn mua hàng rong trước cổng trường. Ngoài ra, người dân còn chưa hình thành thói quen đi bộ đến trường trong khoảng cách ngắn để giảm tải phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành của phụ huynh vẫn chưa cao dù đội trật tự trường cùng đội cờ đỏ có nhắc nhở, sắp đặt và hướng dẫn giao thông vào giờ tan tầm. Nhiều phụ huynh không để ý hoặc cố tình chiếm dụng lòng lề đường để đỗ xe, chặn cả lối đi của thầy cô và học sinh gây cản trở giao thông.
Trước thực trạng kẹt xe trước cổng trường học, từ năm 2006 - 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã thực hiện phương án học lệch ca, lệch giờ từ bậc tiểu học đến THPT, còn mầm non vẫn giữ khung giờ cũ. Theo đó, giờ vào học và ra về của các bậc học được bố trí lệch nhau 15 phút. Phương án này cũng được đánh giá cao và đem lại nhiều hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường.
Ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết qua triển khai thực tế cho thấy việc bố trí học lệch giờ là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường vào giờ cao điểm. Đặc biệt, tùy tình hình thực tế địa phương, các trường nằm trên cùng tuyến đường trọng điểm thường xuyên ùn tắc giao thông đã chủ động phối hợp điều chỉnh lệch giờ học giữa các trường, giữa các khối trong trường nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường này.
Từ kết quả đạt được, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề xuất tiếp tục duy trì việc thực hiện phương án học lệch giờ như đã triển khai từ năm học 2006-2007 đến nay.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất thêm, thành phố cần đẩy mạnh triển khai đưa đón học sinh bằng xe buýt có trợ giá để giảm xe cá nhân đến trường; đồng thời cũng khuyến khích các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh của Trung tâm vận tải hành khách công cộng thành phố để góp phần giảm sử dụng xe máy vào các giờ cao điểm, giảm áp lực lực giao thông ở các cổng trường.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt khu vực cổng trường, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường phối hợp giữa nhà trường và các lực lượng chức năng để điều tiết giao thông trước cổng trường; kiên quyết xử phạt, không để xảy ra tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trước cổng trường học.
Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị - Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết theo Nghị định 46/NĐ-CP, việc dừng xe không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 300.000- 400.000 đồng; trong quá trình dừng, đỗ xe trái quy định mà gây ra tình trạng ùn tắc giao thông có thể bị phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự địa phương mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở.
"Các lực lượng chức năng phải kiên quyết xử phạt trể tránh tình trạng vi phạm trước cổng trường trở thành thói quen", Tiến sĩ Dư Phước Tân đề xuất.