Theo báo cáo, làn sóng dịch lần thứ 4 diễn biến hết sức phức tạp, tác động trực tiếp tới người lao động, nhất là một số khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân, làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, đời sống, thu nhập, an toàn, sức khỏe của người lao động.
Đến ngày 13/9, đã có 44.554 ca mắc COVID-19 là công nhân, viên chức, lao động tại địa bàn 51 tỉnh, thành phố. Trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có các chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực vào cuộc để động viên, thăm hỏi, tặng quà, chuyển nhu yếu phẩm khẩn cấp cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 13/9, Công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375 tỉ đồng. Trong đó, chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là trên 1.121 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch, chuyển về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên 333 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 là trên 293,8 tỉ đồng; chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch (gồm hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu trên 200 tỉ đồng; chi các hoạt động khác hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trên 30,96 tỉ đồng).
Đồng thời, Công đoàn các cấp chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động tham gia sản xuất "3 tại chỗ" tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trên 1.000 tỉ đồng; chi trực tiếp tại các công đoàn cơ sở theo các mức ban hành chung từ trước đối với người lao động khó khăn là trên 1.396 tỉ đồng.
Cùng với công tác chăm lo, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, để Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời người lao động và doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền: bổ sung thêm đối tượng người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) theo Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68 và phải được hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… được hưởng chính sách theo quy định tại Khoản 4,5,6 Mục II Nghị quyết số 68.
Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ" chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30% - 50% lao động, do đó, có một bộ phận lớn người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ (do quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/QĐ-TTg: "Người lao động làm việc tại doanh nghiệp... phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19", Tổng Liên đoàn đề nghị những đối tượng này phải được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68.
Tương tự, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị sửa Điều 17 Quyết định số 23/QĐ-TTg theo hướng người lao động khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động thì được hỗ trợ mà không cần thêm điều kiện là "tại các doanh nghiệp trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét dùng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người lao động.